Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Sao-nay-lai-rieng-cau-Tinh-Do-cua-mot-Duc-Phat...?

Sao nay lại riêng cầu Tịnh Độ của một Đức Phật...?
Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hỏi:- Tất cả cõi Tịnh Độ của chư Phật ở mười phương công đức đều bình đẳng, pháp tánh cũng như vậy. Người tu nên nhớ nghĩ khắp tất cả công đức của chư Phật, cầu về các cõi tịnh ở mười phương mới phải, sao nay lại riêng cầu Tịnh Độ của một Đức Phật? Như thế chẳng là trái với lý bình đẳng cầu sanh ư?

Đáp:- Tất cả cõi tịnh của chư Phật, thật ra đều bình đẳng. Nhưng vì chúng sanh ở cõi này phần nhiều là kẻ độn căn trược loạn, nếu không buộc tâm chuyên vào một cảnh, thì Tam Muội khó thành. Chuyên niệm Phật A Di Đà, tức là Nhất Tướng Tam Muội, vì tâm chuyên nhất, nên được sanh về cõi kia. Như trong Kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh, Phổ Quảng Bồ Tát hỏi Phật: 'Bạch Đức Thế Tôn, Mười phương đều có Tịnh Độ, tại sao Thế Tôn lại riêng khen ngợi cõi Tây Phương Cực Lạc và khuyên chúng sanh nên chuyên niệm Phật A Di Đà để cầu về cõi ấy?' Phật bảo ngài Phổ Quảng: 'Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề phần nhiều tâm trược loạn, vì thế ta chỉ tán thán một Tịnh Độ ở Tây Phương, khiến các hữu tình chuyên tâm vào một cảnh, để cho sự vãng sanh được dễ thành tựu. Nếu nhớ niệm tất cả chư Phật, vì niệm cảnh quá rộng, nên tâm mênh mang tán lạc, Tam Muội khó thành, không được vãng sanh. Lại sự cầu công đức của một vị Phật cùng sự cầu công đức của tất cả Phật không khác nhau, vì chư Phật đồng một pháp tánh. Cho nên niệm Phật A Di Đà tức là niệm tất cả Phật, sanh Tây Phương Tịnh Độ, tức là sanh tất cả Tịnh Độ. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm nói: 'Thân tất cả chư Phật, là thân một Đức Phật, một tâm một trí huệ, lực vô úy cũng thế.' Lại nói: 'Ví như trăng tròn sáng, in bóng khắp sông hồ, ảnh tượng tuy vô cùng, mặt trăng chỉ là một, như đấng Vô Ngại Trí, thành bậc Đẳng Chánh Giác, ứng hiện tất cả cõi, thân Phật không có hai.'

Tóm lại, người có trí huệ nương nơi thí dụ trên sẽ hiểu được lý một tức tất cả, tất cả là một. Khi hiểu được lý nầy, thì niệm một Đức Phật, chính là niệm tất cả chư Phật vậy.

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


(Luận) Đệ tam nghi, vấn: Thập phương chư Phật nhất thiết Tịnh Độ, Pháp Tánh bình đẳng, công đức diệc đẳng. Hành giả phổ niệm nhất thiết công đức, sanh nhất thiết Tịnh Độ. Kim nãi thiên cầu nhất Phật Tịnh Độ, dữ bình đẳng tánh quai, vân hà sanh Tịnh Độ?
          ()第三疑。問:十方諸佛,一切淨土,法性平等,功德亦等。行者普念一切功德,生一切淨土。今乃偏求一佛淨土,與平等性乖。云何生淨土?
          (Luận: Điều nghi thứ ba, hỏi: Hết thảy các Tịnh Độ của mười phương chư Phật Pháp Tánh bình đẳng, công đức cũng bình đẳng, hành giả niệm trọn khắp hết thảy các công đức, sanh vào hết thảy các Tịnh Độ. Nay lại riêng cầu Tịnh Độ của một vị Phật, trái nghịch tánh bình đẳng, làm sao sanh về Tịnh Độ cho được?)
 
          Nêu lên câu hỏi: Hết thảy các Tịnh Độ của mười phương chư Phật Pháp Tánh bình đẳng, công đức cũng bình đẳng, hành giả lẽ ra phải dùng cái tâm rộng lớn để niệm trọn khắp hết thảy các công đức, sanh vào hết thảy Tịnh Độ, nay lại khăng khăng chỉ cầu sanh vào Tịnh Độ của một vị Phật, trái nghịch tánh bình đẳng, làm sao còn có thể sanh về Tịnh Độ được nữa?
          Đối phương chất vấn, nghi ngờ: Pháp Tánh vốn bình đẳng, vậy thì phải bình đẳng niệm, sanh trong trọn khắp các cõi; nay lại thiên vị cầu một vị Phật, thiên vị sanh vào một cõi Tịnh Độ, [đấy chính là] trái nghịch tánh bình đẳng, làm sao có thể sanh về Tịnh Độ cho nổi? Bởi lẽ, đã trái nghịch Pháp Tánh!
          Trả lời: Đối với vấn đề này, chẳng thể mơ hồ, xí xóa được. Phải biết, Phật có ba thân là Pháp, Báo, Hóa, cõi có ba loại là Pháp, Báo, Ứng. Phàm phu muốn nhập môn bình đẳng, niệm hết thảy Phật, sanh vào hết thảy cõi, lại phải có lịch trình của riêng họ (quá trình tu tập từng bước một), phải có phương tiện tiếp dẫn. Chẳng thể trách móc phàm phu: “Vì sao ngươi chẳng thể ngay lập tức niệm hết thảy Phật, sanh vào hết thảy các cõi?” Do vậy, hiện thời phải xem xét: Có thể thuận lợi dẫn dắt hết thảy chúng sanh vào Tịnh Độ hay không, cuối cùng, sẽ hết sức nhanh chóng đạt đến “niệm hết thảy Phật, sanh vào hết thảy cõi” hay chăng? Đây là điều chúng ta phải chú ý. Vì thế nói: Thiên vị niệm một vị Phật, thiên vị cầu một cõi, đúng là phương tiện nhanh chóng để vào Tịnh Độ, mà cũng sẽ là rốt ráo được thấy hết thảy Phật, sanh vào hết thảy các cõi. Vì thế, [kinh văn] hướng dẫn chúng ta riêng cầu Tịnh Độ của một vị Phật.
          “Riêng niệm một vị Phật” ở đây phải dựa trên sự nhận thức về hiệu quả ứng hợp căn cơ và xác suất thành tựu. Trước hết, cần biết chúng sanh trong cõi này lắm kẻ trược loạn, do tâm loạn sẽ khó đạt được tam-muội (những điều duyên theo quá nhiều sẽ gây nên động loạn, chẳng có cách nào Định được). Do cái tâm chẳng thể định, sẽ chẳng thể hiện trọn khắp hình bóng. Vì thế, nói theo kẻ bình phàm trong cõi này, nếu niệm trọn khắp hết thảy các vị Phật, sanh vào hết thảy các cõi, chuyện ấy hết sức khó khăn, chẳng ứng hợp căn cơ! Kế đó, phải biết: Do vì căn tánh chậm lụt, kém cỏi, nếu dạy họ chỉ giữ lấy một đối tượng để duyên theo, dụng công liên tục chẳng gián đoạn, sẽ có thể thành tựu tam-muội. Sau khi tam-muội đã thành, sẽ có thể thấy hết thảy các vị Phật. Đấy là điều trọng yếu!
          Giống như mặt trời có thể tỏa nhiệt, nếu làm cho ánh sáng mặt trời tụ lại một điểm, nó sẽ rất nhanh chóng đạt đến điểm cháy, sanh ra lửa. Nếu ánh sáng chẳng tụ lại, vậy thì vĩnh viễn chẳng đạt được tí lửa nào! Ở đây, đích xác là vấn đề hữu hiệu. Hễ tụ tập [ánh sáng mặt trời], trong một giờ là có thể đốt cháy. Chẳng tụ tập, mười giờ, một trăm giờ, một ngàn giờ, một vạn giờ, một ức giờ v.v… vẫn chẳng có cách nào đốt cháy; có thể thấy tầm quan trọng của việc ứng hợp căn cơ. Nếu pháp chẳng ứng hợp căn cơ, chẳng thích hợp với họ, họ sẽ chẳng tu nổi. Vậy thì mười ngày tu không nổi, trăm ngày chẳng tu nổi, ngàn ngày chẳng nổi, suốt một đời chẳng tu nổi, mười đời chẳng tu nổi, trăm đời chẳng tu nổi v.v… sẽ khó thể thành tựu! Nếu họ giữ lấy một [đối tượng], dốc hết năng lượng nội tâm ở nơi ấy, tâm thuần nhất liên tục, sẽ liên kết với A Di Đà Phật ngày càng chặt chẽ, càng ngày càng tương ứng, càng ngày càng được gia bị. Như vậy thì qua một khoảng thời gian khó khăn, sẽ bắt đầu thuần thục, bắt đầu thân cận, bắt đầu càng tu càng khá. Trong đời này, dùng thời gian hữu hạn để tập trung vận dụng nơi một điểm, chắc chắn sẽ là một trăm căn cơ thì một trăm người vãng sanh, một ngàn căn cơ sẽ là một ngàn người vãng sanh. Xác suất thành công là một trăm phần trăm. Nếu chẳng làm như vậy, để cho cái tâm tán loạn, căn tánh của họ chậm lụt, kém cỏi, tâm lại tạp loạn, lâu ngày chầy tháng sẽ nẩy sanh rất nhiều tác dụng phụ, dẫn đến chuyện tu lâu ngày mà chẳng thành tựu!        
          Thuốc phải đúng bệnh, pháp phải thích ứng căn cơ. Có thể tưởng tượng, nếu có kẻ trọn đủ tín nguyện, chiếu theo đường lối “một mực chuyên niệm” để hành, chuyên tương ứng với A Di Đà Phật, như vậy thì sẽ dần dần thâm nhập, chắc chắn là một trăm người tu, một trăm người thành công. Một khi đã tương ứng với A Di Đà Phật, chắc chắn sẽ được biển nguyện của đức Phật nhiếp thọ, chắc chắn là một trăm người tu thì một trăm người thành Phật, đạo lý là như thế đó. Phật Thích Ca hoàn toàn trông thấy căn tánh của chúng sanh trong thế giới này phổ biến như thế ấy, cho nên Ngài khuyên dạy: Trước hết, hãy chuyên niệm một vị Phật, khởi đầu bằng vị hữu duyên nhất là A Di Đà Phật. Như thế thì chắc chắn sẽ giải thoát ngay trong đời này. Khi đã sanh sang Tịnh Độ, liền dự vào địa vị Bất Thoái Chuyển, sau đó, nhanh chóng thành tựu viên mãn hạnh nguyện Phổ Hiền rồi thành Phật. Lộ trình này hết sức trọng yếu; vì thế, đức Thế Tôn khuyên bảo mọi người chuyên niệm một vị Phật, chuyên sanh về một Tịnh Độ.
          Dưới đây, chia thành hai điều để biện luận và trình bày:
          a) Một đằng là thuận tiện, bởi [dốc tâm] nơi một pháp sẽ dễ thành tựu tam-muội, dễ sanh về Tịnh Độ của Phật.
          b) Một đằng là rốt ráo, bởi “một chính là hết thảy”.
 
3.1. Một đằng là thuận tiện, bởi [dốc tâm] nơi một pháp sẽ dễ thành tựu tam-muội, sanh về Tịnh Độ của Phật
 
          (Luận) Đáp: Nhất thiết chư Phật độ, thật giai bình đẳng, đản chúng sanh căn độn, trược loạn giả đa. Nhược bất chuyên hệ nhất tâm, nhất cảnh, tam-muội nan thành. Chuyên niệm A Di Đà Phật, tức thị Nhất Tướng tam-muội. Dĩ tâm chuyên chí, đắc sanh bỉ quốc. Như Tùy Nguyện Vãng Sanh Kinh vân: “Phổ Quảng Bồ Tát vấn Phật: ‘Thập phương tất hữu Tịnh Độ, Thế Tôn hà cố thiên tán Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, chuyên khiển vãng sanh?’ Phật cáo Phổ Quảng: - Diêm Phù Đề chúng sanh, tâm đa trược loạn, vị thử thiên tán Tây Phương nhất Phật Tịnh Độ, sử chư chúng sanh chuyên tâm nhất cảnh, tức dị đắc vãng sanh. Nhược tổng niệm nhất thiết Phật giả, niệm Phật cảnh khoan, tắc tâm tản mạn, tam-muội nan thành, cố bất đắc vãng sanh”.
   ()答:一切諸佛土,實皆平等。但眾生根鈍,濁亂者多,若不專繫一心一境,三昧難成。專念阿彌陀佛,即是一相三昧。以心專至,得生彼國。如隨願往生經云,普廣菩薩問佛:「十方悉有淨土,世尊何故偏贊西方彌陀淨土,專遣往生?」佛告普廣:「閻浮提眾生,心多濁亂,為此偏贊西方一佛淨土。使諸眾生,專心一境,即易得往生。若總念一切佛者,念佛境寬,則心散漫,三昧難成,故不得往生」。
          (Luận: Đáp: - Hết thảy các cõi Phật đều thật sự bình đẳng, nhưng chúng sanh căn cơ chậm lụt, trược loạn thì nhiều. Nếu chẳng chuyên buộc ý nơi một tâm, một cảnh, tam-muội sẽ khó thành. Chuyên niệm A Di Đà Phật chính là Nhất Tướng tam-muội, do tâm chuyên chí, sẽ được sanh về cõi ấy. Như trong kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh[9] đã chép: “Phổ Quảng Bồ Tát hỏi đức Phật: ‘Mười phương đều có Tịnh Độ, vì sao đức Thế Tôn riêng khen ngợi Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, chuyên dạy vãng sanh [về đó]?’ Đức Phật bảo ngài Phổ Quảng: - Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề tâm phần nhiều ô trược, tán loạn. Do vậy, phải riêng ca ngợi một Phật Tịnh Độ ở phương Tây, khiến cho các chúng sanh chuyên tâm nơi một cảnh, sẽ dễ được vãng sanh. Nếu niệm chung hết thảy các đức Phật, do cảnh niệm Phật rộng rãi, tâm sẽ tản mạn, tam-muội khó thành. Vì thế, chẳng được vãng sanh”).
 
          Ở đây, [đại sư] chỉ ra: Hết thảy các cõi Phật, thực tế đều bình đẳng, nhưng hiện thời, điều cần phải chú trọng là làm thế nào để khiến cho chúng sanh chứng nhập cảnh bình đẳng ấy, vậy thì nhất định phải lập bày một pháp môn khế hợp căn tánh của chúng sanh trong thế giới Sa Bà. Nếu pháp môn có thể khế cơ, dễ thành công, đáng phải nên đề xướng [pháp môn ấy]. Nếu pháp môn chẳng khế cơ, chẳng dễ thành công, sẽ chẳng đề xướng nó. Như vậy, rốt cuộc phải nên lập bày pháp nào, hoàn toàn tùy thuộc căn tánh của chúng sanh.
          Chúng sanh trong cõi [Sa Bà] này căn cơ chậm lụt, kém cỏi, trong tâm phần nhiều là trạng huống chẳng thanh tịnh, tạp loạn. Đối ứng với loại chúng sanh này, nếu chẳng đề xướng chuyên môn buộc tâm chỉ duyên theo một cảnh, sẽ khó thể thành tựu tam-muội. Nhưng chuyên niệm A Di Đà Phật là Nhất Tướng tam-muội, vì tâm chuyên chú nơi một đức Phật, sẽ có thể sanh về cõi ấy. Trong kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh, đức Phật cũng dạy bảo như vậy. Phổ Quảng Bồ Tát cũng nhắc tới vấn đề này: Mười phương đều có cõi Phật, vì sao đức Thế Tôn riêng khen ngợi Di Đà Tịnh Độ, dạy chúng sanh chuyên môn duyên niệm và vãng sanh? Đức Phật bảo Phổ Quảng: Có quan hệ với căn tánh của chúng sanh trong Diêm Phù Đề! Tâm họ hết sức chẳng thanh tịnh, tạp loạn, do như vậy [đức Phật] bèn tất yếu riêng ca ngợi một cõi Tây Phương Tịnh Độ, khiến cho các chúng sanh chuyên tâm nơi một cảnh, sẽ dễ vãng sanh. Tuy cũng có pháp môn niệm trọn khắp hết thảy các đức Phật, nhưng cảnh giới niệm Phật [trong pháp môn ấy] rộng lớn, tâm chúng sanh tán loạn. Do vậy, khó thể thành tựu tam-muội, sẽ chẳng thể vãng sanh.
          Tóm lại, đức Thế Tôn quan sát căn tánh phổ biến của chúng sanh trong cõi này, nếu đề xướng pháp môn phổ niệm, xác suất thành công sẽ rất nhỏ, dẫu có mà cũng như không, vì chẳng sanh về Tịnh Độ. Nếu đề xướng pháp môn chuyên niệm, sẽ khế hợp căn cơ của chúng sanh, trăm người tu, trăm kẻ vãng sanh, ngàn người tu, ngàn kẻ vãng sanh. Hơn nữa, nhìn vào lúc lâm chung, phàm phu chấp tướng sẽ do phương hướng [xác định] bởi tín nguyện trong tâm để quyết định thọ sanh ở nơi đâu. Chúng sanh lúc lâm chung chẳng có cách nào duyên theo vị Phật này hay vị Phật kia. Nếu cứ làm như vậy, nói theo phía các phàm phu bình phàm, chỉ sợ chẳng sanh vào Tịnh Độ. Thế nhưng, duyên niệm nơi một vị Phật A Di Đà, chỉ cần cái tâm chuyên chú vào đó, ứng hợp với nguyện lực của đức Phật, ngay khi ấy, sẽ có thể vãng sanh. Vì thế, đức Thế Tôn đề cao pháp môn “chuyên niệm một vị Phật, sanh về một Tịnh Độ”.
 
3.2. Một đằng là rốt ráo, bởi “một chính là hết thảy”
 
          Phải biết Phật có ba thân, cõi có ba cõi. Một vị Phật Di Đà, một cõi Tây Phương vốn là Pháp Thân Phật, là Pháp Tánh Độ (cõi được kiến lập bởi Pháp Tánh). Do “một chính là hết thảy”, do đường tắt này bèn có thể thông đến chỗ rốt ráo, cũng có nghĩa là “niệm một vị Phật chính là niệm hết thảy chư Phật, sanh vào một cõi chính là sanh trong hết thảy các cõi”. Xác định rành rẽ điều này, sẽ biết “do phương tiện mà đạt đến rốt ráo, do một môn mà thành phổ môn (trọn khắp các môn)”. Từ chỗ này sẽ thấy, do con đường này bèn có thể chứng nhập tánh bình đẳng, đạt tới mục đích “niệm hết thảy Phật, sanh trong hết thảy cõi”; do vậy, phải nên đề xướng. Dưới đây là sự chứng thực về đạo lý ấy.
 
          (Luận) Hựu cầu nhất Phật công đức, dữ nhất thiết Phật công đức vô dị, dĩ đồng nhất Phật Pháp Tánh cố. Vị thử, niệm A Di Đà Phật, tức niệm nhất thiết Phật; sanh nhất Tịnh Độ, tức sanh nhất thiết Tịnh Độ. Cố Hoa Nghiêm kinh vân: “Nhất thiết chư Phật thân, tức thị nhất Phật thân. Nhất tâm, nhất trí huệ, lực, vô úy diệc nhiên”. Hựu vân: “Thí như tịnh mãn nguyệt, phổ ứng nhất thiết thủy. Ảnh tượng tuy vô lượng, bổn nguyệt vị tằng nhị. Như thị vô ngại trí, thành tựu Đẳng Chánh Giác. Ứng hiện nhất thiết sát, Phật thân vô hữu nhị”. Trí giả dĩ thí dụ đắc giải. Trí giả nhược năng đạt nhất thiết nguyệt ảnh tức nhất nguyệt ảnh, nhất nguyệt ảnh tức nhất thiết nguyệt ảnh. Nguyệt ảnh vô nhị cố, nhất Phật tức nhất thiết Phật, nhất thiết Phật tức nhất Phật. Pháp Thân vô nhị cố, xí nhiên niệm nhất Phật thời, tức thị niệm nhất thiết Phật dã.
          ()又求一佛功德,與一切佛功德無異,以同一佛法性故。為此念阿彌陀佛,即念一切佛。生一淨土,即生一切淨土。故華嚴經云:「一切諸佛身,即是一佛身。一心一智慧,力無畏亦然。」又云:「譬如淨滿月,普應一切水。影像雖無量,本月未曾二。如是無礙智,成就等正覺。應現一切剎,佛身無有二。」智者以譬喻得解,智者若能達一切月影即一月影,一月影即一切月影。月影無二,故一佛即一切佛,一切佛即一佛。法身無二故,熾然念一佛時,即是念一切佛也。
          (Luận: Lại nữa, cầu công đức của một vị Phật chẳng khác cầu công đức của hết thảy các vị Phật, do cùng một Phật Pháp Tánh. Do vậy, niệm A Di Đà Phật chính là niệm hết thảy Phật, sanh vào một Tịnh Độ chính là sanh vào hết thảy Tịnh Độ. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm chép: “Thân hết thảy chư Phật, chính là một Phật thân. Một tâm, một trí huệ, lực, vô úy cũng thế”. Lại nói: “Ví như trăng tròn sạch, hiện khắp hết thảy chỗ có nước, tuy hình bóng vô lượng, vầng trăng chẳng hề hai. Trí vô ngại cũng thế, thành tựu Đẳng Chánh Giác, ứng hiện hết thảy cõi, thân Phật chẳng có hai”. Kẻ trí nhờ vào thí dụ mà hiểu. Nếu kẻ trí có thể thông đạt hết thảy bóng trăng chính là bóng của một vầng trăng, bóng của một vầng trăng là hết thảy bóng trăng, bởi lẽ bóng trăng chẳng hai. Một vị Phật chính là hết thảy các vị Phật, hết thảy các vị Phật chính là một vị Phật, vì Pháp Thân chẳng hai. Khi hăng hái niệm một vị Phật chính là niệm hết thảy các vị Phật).
 
          Hơn nữa, cầu công đức của một vị Phật chẳng khác [cầu] công đức của hết thảy các vị Phật. Do duyên cớ gì? Vì duyên cớ chư Phật đều có cùng một Pháp Tánh. Phật Phật đạo đồng, Lý Thể và công đức đều bình đẳng. Do đó, niệm A Di Đà Phật là niệm hết thảy Phật, sanh Tây Phương Tịnh Độ là sanh vào hết thảy các cõi. Cũng vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chư Phật đều có cùng một Pháp Thân, cùng một trí huệ, cùng một công đức”. Kinh còn nói: Ví như vầng trăng viên mãn, thanh tịnh, hiện khắp trong hết thảy các dòng nước, tuy có vô lượng hình bóng, nhưng chẳng có hai vầng trăng gốc. Trí vô ngại thành tựu Đẳng Chánh Giác, từ Pháp Thân ứng theo cơ nghi của chúng sanh mà hiện trọn khắp trong hết thảy cõi nước, nhưng thân Phật vốn có trọn chẳng có hai!
          Bậc trí sẽ từ thí dụ này mà lý giải, cũng có nghĩa là bậc trí có thể liễu đạt bóng trăng trong hết thảy ngàn muôn giòng sông chính là bóng của một vầng trăng, bóng dáng của một vầng trăng chính là bóng trăng [soi] trong hết thảy sông ngòi; bởi lẽ, vầng trăng chẳng hai. Chẳng thể nói vầng trăng gốc nơi bóng trăng trong một giòng nước ít hơn một chút, vầng trăng gốc nơi bóng trăng trong ngàn sông ngòi sẽ nhiều hơn một chút. Điều này biểu đạt bóng của một vầng trăng chính là hết thảy các bóng trăng. Cũng tức là nói theo cái nguyên gốc (vầng trăng thật sự, Pháp Thân của Phật) thì không hai. Công đức của Phật Di Đà chẳng ít, công đức của chư Phật chẳng nhiều! Pháp Giới Tạng Thân của A Di Đà Phật vốn là như vậy, trọn chẳng phải là ít hơn hết thảy Phật, mà hết thảy Phật cũng chẳng nhiều hơn A Di Đà Phật. Do vậy bèn liễu giải: Do tam thân chẳng hai, niệm một vị A Di Đà Phật chính là niệm hết thảy Phật. Do bốn cõi viên dung, sanh vào một cõi của Tây Phương Tịnh Độ chính là sanh vào hết thảy các cõi. Đây là từ một pháp chuyên môn nhằm dẫn dắt phàm phu dễ thấy Phật, dễ sanh vào cõi tịnh, rốt cuộc là sẽ chắc chắn thấy hết thảy Phật, sanh trong hết thảy cõi, vì bản thể chẳng hai vậy.      
          Nói rõ ràng hơn thì hình bóng của thân Phật chỉ là do vọng thức biến hiện. Sở dĩ nói là “vọng” vì trong chân thật sẽ chẳng có [hình bóng ấy], nhưng do chúng sanh có sức tập khí hòa hợp với bi nguyện của chư Phật, nay quý vị trông thấy hình bóng [thân Phật sai khác], nhưng trong chân thật thì chỉ có Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, thuần túy là Pháp Thân đang khởi tác dụng. Trong chân thật đã không có các hình bóng ấy, những thứ ấy đều là thân Phật bất nhị. Vì thế, đừng nên đối với chuyện này mà dấy lên cách nhìn [so đo] hơn kém, [bởi lẽ], hết thảy các vị Phật đã hiện ra, trên thực tế đều là lực dụng của Pháp Thân, chẳng sai khác. Đã là lực dụng của Pháp Thân, tức toàn là do Pháp Thân khởi tác dụng. Hiểu được điều này, sẽ biết “một chính là hết thảy, hết thảy đều là Pháp Thân, hết thảy đều chẳng hai”.
          Điều then chốt là phải nhìn vào bổn nhân (thân Phật thật sự, Pháp Thân), đừng nên nhìn vào những hình bóng hiển hiện bởi vọng thức, [để rồi so đo] rốt cuộc là “một” thì tốt hơn, hay “nhiều” thì tốt hơn. Nếu so đo nơi vọng thức, đây là “một”, kia là “nhiều”, dường như “nhiều” sẽ hay hơn một! Nhưng phải biết: Phía sau của cái “một” này và phía sau của cái “nhiều” kia, đều vốn là cùng một thứ. Giống như một vị A Di Đà Phật hóa hiện vô số vị A Di Đà Phật, đều là do cùng một Pháp Thân Phật khởi tác dụng, chẳng phải là hai cái Thể khởi lên tác dụng! Phía sau của sắc thân A Di Đà Phật mà quý vị trông thấy trước mặt chẳng phải là Pháp Thân Phật hay sao? Phía sau của bao nhiêu hình tượng thân Phật chẳng phải là cùng một Pháp Thân hay sao? Các thân ấy vốn chẳng hai! Cái thật sự tương ứng chính là một Pháp Thân Phật, do vậy gọi là “niệm một vị Phật chính là niệm hết thảy các vị Phật”.
          Cuối cùng, chúng ta phải nắm vững trọng điểm “do chuyên mà phổ” (từ chuyên nhất niệm một vị Phật mà thành niệm trọn khắp các vị Phật). Đương nhiên là người hỏi [cật vấn như thế] chẳng sai, phải niệm hết thảy các đức[10], phải sanh vào hết thảy cõi, chẳng thể thiên lệch nơi một điều nào, vì tâm tánh của chúng ta trọn khắp, bình đẳng. Hơn nữa, hết thảy chư Phật đều ở trong tâm, hết thảy các đức đều ở trong tâm; nhưng cần phải phân định giai đoạn rõ ràng! Thực tế ấy chính là nội hàm (nội dung được chứa đựng) trong đại hạnh Phổ Hiền, nó trọn khắp, vô tận, viên mãn. Vì thế, bất cứ nguyện nào cũng đều nói “tận pháp giới, hư không giới”, “niệm niệm tương tục vô hữu gián đoạn” (niệm nào cũng đều liên tục, chẳng gián đoạn), cũng đều là vào trọn khắp hết thảy các cõi, niệm trọn khắp hết thảy các vị Phật, tu trọn khắp hết thảy các hạnh, không gì chẳng viên mãn trọn khắp. Sau khi đã hiển lộ rõ rệt pháp giới tâm, do xứng hợp với pháp giới tâm mà xuất hiện đại hạnh như thế đó, nhưng phải phân định rõ rệt từng giai đoạn: Chuyện này chẳng phải là phàm phu mà hòng tu được, chênh lệch quá xa! Nếu xét theo trạng huống tu hành trước mắt của chúng ta, chỉ sợ vô số kiếp cũng khó thể đạt được! Phổ Hiền Bồ Tát thống nhiếp, dẫn dắt Hoa Tạng hải chúng đều cùng về thế giới Cực Lạc chính là con đường tắt để thực hiện biển nguyện của Phổ Hiền. Đấy chính là đạo trọng yếu để chứng nhập thế giới Hoa Tạng, phát sanh đại hạnh của Phổ Hiền.
          Thông qua con đường này, ai nấy đều có thể thành tựu viên mãn hạnh nguyện Phổ Hiền. Do vậy, đấy chính là lộ trình “từ chuyên đến phổ”. “Chuyên” là chuyên niệm một vị A Di Đà Phật, chuyên sanh về một cõi Tây Phương. “Phổ” là hễ đến nơi đó, sẽ được thuận duyên hết sức tốt đẹp gia bị, sẽ nhanh chóng khai phát bổn tánh. Hễ trí Văn Thù được khai phát, sẽ nhanh chóng tiêu trừ tập khí vọng chấp (chấp trước hư vọng), pháp giới chân tâm sẽ hiện tiền. Đương nhiên là cuối cùng sẽ giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, hết thảy các vị Phật đều ở trong pháp giới tâm, đương nhiên là cúng trọn khắp hết thảy các vị Phật, niệm trọn khắp hết thảy đức, hành trọn khắp hết thảy thiện. Đấy là đạo lý tự nhiên. Do vậy, trước hết phải mong cầu chuyên, sau đấy sẽ đạt đến phổ. Đấy là đường tắt, tránh khỏi vô số ngõ rẽ, vô số đường vòng, vô số dò dẫm mù mờ và thoái chuyển hòng có thể nhanh chóng thành tựu.
          Tiếp đó, lại dùng thánh giáo để chứng minh điều này. Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm nói: “Ngã ký vãng sanh bỉ quốc dĩ, hiện tiền thành tựu thử đại nguyện” (Tôi đã vãng sanh cõi ấy rồi, hiện tiền thành tựu đại nguyện này). Lại nói: “Trí lực quảng đại biến thập phương, phổ lợi nhất thiết chúng sanh giới” (Trí lực rộng lớn trọn mười phương, lợi khắp hết thảy chúng sanh giới), hạnh trọn khắp hết thảy, hạnh bình đẳng hoàn toàn được thực hiện. Kinh Văn Thù Bát Nhã nói: “Buộc tâm nơi một vị Phật, chuyên xưng danh hiệu của Ngài, như thế thì sẽ có thể niệm nào cũng liên tục nơi một vị Phật, sẽ có thể trong một niệm mà thấy quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật, vì công đức niệm một vị Phật và công đức do niệm vô lượng Phật chẳng hai”. Đã thế, còn nói so sánh: Phật pháp do ngài A Nan được nghe vẫn thuộc vào số lượng hữu hạn. Nếu đạt được Nhất Hạnh tam-muội, đối với các pháp môn trong các kinh, đều phân biệt liễu tri từng thứ một, ngày đêm tuyên nói, trí huệ biện tài trọn chẳng ngưng dứt. Đa văn biện tài của ngài A Nan chẳng bằng một phần trăm ngàn [sự đa văn biện tài của người đã đắc Nhất Hạnh tam-muội]. Có thể thấy là do thâm nhập một môn, cuối cùng sẽ có thể thấy vô lượng Phật, đắc Nhất Hạnh tam-muội, có thể biết trọn khắp vô lượng pháp. Đấy cũng là một chứng cớ rõ rệt cho chuyện “từ chuyên mà đạt tới phổ”.
          Hơn nữa, từ Di Đà nguyện hải, sẽ có thể biết [tánh chánh xác của đường lối “từ chuyên đến phổ”]. Chẳng hạn như trong nguyện thứ bốn mươi lăm [của A Di Đà Phật] có nói: “Các vị Bồ Tát ở phương khác nghe danh hiệu của ta đều có thể đắc Phổ Đẳng tam-muội. An trụ trong tam-muội này, mãi cho đến khi thành Phật, sẽ thường thấy vô lượng chẳng thể nghĩ bàn hết thảy chư Phật”. Đấy cũng là do chuyên mà đạt đến phổ, có thể thấy vô lượng Phật. Lại còn nói đến cảnh giới thành tựu Thần Túc Thông: “Trời, người trong nước chẳng đắc Thần Túc, trong khoảng một niệm tối thiểu là chẳng thể vượt qua trăm ngàn ức na-do-tha các cõi Phật, tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác”. Có thể thấy là hễ sanh về Tịnh Độ, liền được Phật gia bị, trong khoảng một niệm, tối thiểu sẽ vượt qua trăm ngàn ức na-do-tha cõi Phật, có thể thừa sự, cúng dường vô lượng Phật.
          Tương tự như thế, một mai khai phát bổn tánh, do vì chân tâm trọn khắp, tự nhiên sẽ có thể phát sanh hạnh Phổ Hiền, lại còn sẽ dần dần viên mãn. Tất nhiên rốt cuộc là niệm khắp hết thảy các vị Phật, cúng khắp hết thảy chư Phật, tu trọn khắp hết thảy đức, sẽ thực hiện biển hạnh Phổ Hiền như thế đó.

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
9 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
10 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
11 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
14 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
15 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về