Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tu-Hanh-Phai-Can-Cau-Giai-Thoat

Tu Hành Phải Cần Cầu Giải Thoát
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Thực tế tu hành là nhìn ngay cảnh hiện tại ta đang thọ khổ hay vui? Rồi nhận định xem, ta có thật vui đến nổi phải bỏ tu hành ? Có thật khổ làm ta không thể nào tu được?

Cổ đức dạy: Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị. Nghĩa là muốn biết đời trước thế nào, hãy xem đời nay ta đang thọ, muốn biết tương lai thế nào, hãy xem việc làm đời nay. 

Vậy nếu ta cho đời này mình quá khổ, thì biết rằng ta đã vụng tu đời trước; nếu cho đời này sung sướng, phải biết đời trước đã có tu. Nhưng rõ ràng cõi đời không thể nào vui được, cho nên ta không thể nói là quá vui sướng. Nếu thật có vui sướng cũng là nhất  thời, và cuối cùng không sao tránh khổ. 

Phật dạy tu hành phải cầu giải thoát; cầu giải thoát là phát tâm Bồ Ðề. Muốn cầu giải thoát đương nhiên ta phải nhận rõ cuộc đời là đau khổ. Ðau khổ vì sinh diệt không ngừng. Chỗ nào có sinh diệt chỗ đó có khổ đau. Sinh diệt thực tế ngay cảnh hiện tại, là sanh già bệnh chết; nhưng chỉ có chết mới làm ta sợ hơn hết. Vì ngày nào mà ta không chứng kiến sanh già bệnh khổ! Có khi thân ta đang bệnh mà ta cũng chưa sợ; cho nên chỉ có chết ta mới sợ. Tiếc rằng khi ta biết sợ, thì cái chết đã tới nơi, không còn kịp cho ta sợ nữa; thành ra cuộc luân hồi tiếp diễn, lại sanh vào thân khác, rồi phải chết đi cách khác. Sanh thân người còn có thể có cơ hội hiểu biết luân hồi, kinh sợ sự chết mà lo tu hành, chứ sanh thân thú, làm sao hiểu biết tu hành; chưa nói sanh thân người, nhất định không phải là chuyện dễ.

Như thế muốn cầu giải thoát, tu hành học Phật, căn bản trước tiên phải sợ chết; sợ chết trong lúc chưa có công đức tu hành. Khi thật sự sợ chết rồi, ta phải cố gắng luôn luôn nhớ về chánh pháp, bằng cách phải thực hành lễ Phật, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật… Cố gắng phải làm ngay trong lúc thức tỉnh cầu giải thoát, không thôi không kịp; vì cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào, và chắc chắn không có báo trước.

Hiểu được căn bản như vậy rồi, ta bước thêm một bước nữa là phát tâm bồ đề. Tâm Bồ Ðề là cầu giải thoát để thành Phật độ chúng sanh. Thành Phật là việc khó trên cái khó, nhưng theo lời Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nên ai cũng thành Phật được. Phật là tánh giác bản thể thanh tịnh, chúng sanh là tánh mê, bản tâm còn ô nhiễm. Hết ô nhiễm, ngộ được tánh giác, thì Phật tánh trong tâm sinh khởi sẽ không khác gì chư Phật. Cho nên dù việc khó ta cũng phải cầu, cầu là được; huống nữa Phật còn dạy ta nên nghĩ tưởng đến Bồ Ðề Tâm, nghĩa là nghĩ tưởng đến Phật, thì làm sao tương lai không thành Phật! 

Bồ Ðề tâm, nói cách khác dễ hiểu là đầy đủ tâm từ bi, tâm trí huệ. Tâm bi là nền tảng khởi thương yêu, thương yêu tất cả chúng sanh; tâm huệ là thương yêu không có phân biệt, không chấp trước. Ðem hai tâm này thực hành trong đời sống theo khả năng có được của mình, để cầu giải thoát; cầu cho bản thân ta và tất cả mọi người sớm được giải thoát. Như vậy ta đã tạm được gọi là hiểu và hành được phần nào thực tế giáo lý giải thoát của Như Lai. 

Cuối cùng tiếp theo là quán sát tánh duyên sinh, tánh không thật của các pháp, tức là tánh vô ngã của hết thảy vấn đề. Nói rõ hơn là sự giả dối không thật của hết thảy các pháp mà chúng sanh đang lặn hụp chìm trong pháp giới này. Nghĩa là hết thảy pháp không có thật, đều vô ngã. Vô ngã luôn cả điều mà chúng ta đang học đây. Vì sao? Vì có ta đau khổ cầu học, nên có pháp học, pháp giải thoát để cầu, chứ thật ra các pháp không dấy khởi không thật có để gọi là pháp. Chính điều này Phật mới dạy, trong 49 năm hoằng đạo Như Lai không nói một lời. Vì nếu có nói là có thật pháp, như vậy đâu phải là pháp giải thoát! Nói đúng hơn đó là nhân duyên, pháp nhân duyên, người nhân duyên, và tất cả là nhân duyên; cái gì có nhân duyên cái đó không có thật tánh, nghĩa là không có thật, là vô ngã vậy.

Tóm lại tánh duyên sinh vô ngã, giúp ta lìa xa hai pháp chấp, có ta, có pháp; như thế ta có thể tu đầy đủ thiện pháp, mà không lo lắng chấp pháp chấp ngã. 

Cuối cùng có thể hiểu rằng, trên mặt bản thể giải thoát, đời nay không khác thời Chánh pháp, vì giáo lý giải thoát Phật dạy, chúng ta vẫn còn hiểu biết; tuy nhiên trên hiện tượng y báo, đã vắng Như Lai, thiếu Hiền, Thánh Tăng; nhưng tâm chúng sanh ngày xưa ngày nay không khác, do đó nếu dụng công tu hành tha thiết, sẽ được toại nguyện an lạc, và được chư Phật, chư Bồ Tát gia bị,  đạt được giải thoát phần nào đau khổ đời này, và giải thoát hơn nữa ở đời sau.

Cầu nguyện tất cả chúng sanh đều hướng về chánh pháp, phát bồ đề tâm thành tựu giải thoát.

Nam Mô A Di Ðà Phật 
2007
Trích từ: Ý Thức Giải Thoát
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Về Con Đường Giải Thoát, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
2 Ý Thức Giải Thoát, Thượng Tọa Thích Phổ Huân Tải Về
3 Hương Vị Giải Thoát, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về

Tu Hành
Đại Sư Quảng Khâm

Nguyên Tắc Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Ba Giai Đoạn Của Sự Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Mục Tiêu Của Sự Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Thập Thiện Là Cơ Bản Tu Hành
Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Làm Thế Nào Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không