Đời Bắc Ngụy, Đàm Loan pháp sư người ở Nhạn Môn, tỉnh Sơn Tây. Thuở niên thiếu, nhân du lãm cảnh Ngũ Đài Sơn, thấy thần tích linh dị, ngài phát tâm xuất gia.

Về sau, trong khi đọc kinh Đại Tập, thấy văn nghĩa sâu mầu, pháp sư nguyện chú giải ra cho mọi người đều thông hiểu. Nhưng sự nghiệp ấy mới được nửa chừng, ngài bỗng phát bịnh nặng, thay thầy đổi thuốc nhiều phen. Sau khi đã tạm thuyên giảm, pháp sư than rằng: "Mạng người rất mong manh, cơn vô thường khó định. Ta nghe bậc thần tiên có phép tu trường sanh. Có lẽ trước nên cầu pháp ấy cho thân thể được kiện khang, sau mới hưng sùng Phật giáo!".

Nghĩ đoạn, ngài qua Giang Nam tìm các nhà đạo học như Đào Ẩn Cư, Đạo Hoằng Cảnh, khẩn cầu về Tiên thuật. Các vị ấy trao cho 10 quyển Tiên kinh. Ngài vui vẻ mang trở về.

Giữa đường, đến Lạc Dương, pháp sư gặp Bồ Đề Lưu Chi Tam tạng, nhân hỏi: "Trong đạo Phật có pháp trường sanh bất tử như Tiên kinh này chăng?". Lưu Chi thượng nhơn nói: "Ở phương này làm gì có pháp trường sanh bất tử? Mười quyển kinh mà ông mang theo, nếu tu tập, chỉ có hiệu năng tạm thời không chết, kéo dài mạng sống. Nhưng đến khi Tiên báo mãn, nghiệp lực hiện, kết cuộc vẫn xoay vần trong nẻo luân hồi. Như vậy, có chi gọi rằng quý? Luận về trường sanh bất tử, kỳ thật chỉ có Phật pháp mà thôi!". Nói xong, Tam tạng lấy trong đãy ra quyển kinh Thập Lục Quán trao cho và bảo: "Tu học theo đây, thì không còn luân chuyển trong sáu đường, thoát ly hẳn ba cõi. Sự vinh hư thành bại, đường họa phước xuống lên, cũng không còn ràng buộc được. Nói về thọ lượng, thì số kiếp như cát sông Hằng chẳng thể sánh ví bằng. Đây mới đích thật là phép trường sanh của đấng Kim Tiên chúng ta vậy".

Ngài Đàm Loan nghe nói cả mừng, tiếp nhận và cảm tạ. Sau khi tham duyệt và so sánh kỹ hai pho sách, pháp sư liền đốt bỏ Tiên kinh, chuyên tu theo Quán kinh. Từ đó ngài quán triệt được nghĩa sâu của pháp môn Niệm Phật, đem Thập Lục Quán kinh ra hoằng hóa. Lại soạn văn lễ Tịnh Độ nối tiếp kệ văn của Tổ Long Thọ, và trứ tác bộ Vãng Sanh Luận Chú truyền trong đời. Ngụy chúa rất mến trọng, vời tới cung đình, tứ hiệu là Thần Loan. Kế đó, lại sắc cho pháp sư đến trụ trì ngôi đại Già lam tại Tinh Châu, sau thuyên chuyển sang Huyền Trung tự ở Phần Châu.

Niên hiệu Hưng Hòa thứ tư, một đêm ngài đang thiền quán, bỗng thấy có vị Phạm tăng đi đến bảo: "Ta là Long Thọ, đã về Tịnh Độ từ lâu. Vì ông đồng chí, nên nay đến thăm viếng và báo cho hay là tịnh duyên đã thành thục".

Xuất định, pháp sư tự biết đã đến kỳ vãng sanh, tập họp tăng chúng lại răn dạy và bảo: "Nẻo luân chuyển rất xa vời, kiếp trần lao nhiều mỏi nhọc. Sự khổ nơi địa ngục rất đáng kinh sợ, duyên sen cõi Cực Lạc cần phải gắng tu!". Nói xong, dạy hàng đệ tử cao tiếng niệm Phật. Ngài bước xuống tòa, nghiêm kính day về Tây rập đầu cúi lạy mà viên tịch.

Lúc ấy, đại chúng thấy tràng phan, bảo cái hương hoa thơm đẹp từ Tây Phương nhiều như mây bay đến. Nhạc trời rền vang nổi giữa hư không giây lâu mới dứt. Tin đồn đến triều, vua sắc cho dựng bia, xây tháp ngài tại Văn Cốc ở miền Tây Phần Châu. Dân chúng đương thời gọi pháp sư là Đàm Loan Bồ Tát.
 

Trích từ: Mấy Điệu Sen Thanh
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Mấy Điệu Sen Thanh, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Huệ Sùng Đại Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Tăng Duệ Pháp Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Đàm Giám Pháp Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Đạo Trân Pháp Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh