Lương Duy Châu, quê ở Thiệu Hưng, làm người chấp sự tại am Long Đàm. Đến 40 tuổi, ông mù cả đôi mắt, không còn làm việc để sanh sống được, muốn tự tử.

Có vị tăng ở trong am khuyên ngăn rằng: "Buồn phiền mà chết như thế, chỉ thêm nghiệp chớ không được giải thoát. Ở thế giới Cực Lạc phương Tây có đức Phật hiệu A Di Đà. Nếu ông chí tâm thường trì niệm hồng danh, thì sẽ vĩnh viễn thoát khổ, sanh về cõi an vui. Vậy sự đui mù có chi mà đáng ngại? Như ông chịu làm y theo lời, tôi nguyện xin khất thực để giúp đỡ!" Duy Châu cảm tạ, nguyện xin tuân hành.

Ông chí thiết niệm Phật được 3 năm, đôi mắt bỗng nhiên sáng lại. Hơn nửa tháng sau, ông bảo chúng rằng: "Tôi sắp đi xa!" Qua ba hôm, vào giờ Ngọ, Duy Châu ngồi chấp tay day mặt về Tây niệm Phật mà thoát hóa. Lúc ấy nhằm năm Càn Long thứ 38.

Lời bình:

Từ truyện Trương Chung Quỳ đến đây, hoặc bởi những người không quy y Tam Bảo, hoặc do sự hiện tích có vẻ ly kỳ, nên soạn giả không sắp vào hàng tứ chúng, mà liệt vào hạng tạp lưu vãng sanh.

Cảnh luân nghiệp quả đáng bi thương, kiếp phù sinh vẫn như mộng huyễn. Bao nhiêu nỗi khổ vui, vinh nhục, đắc thất đã trải qua: việc lo toan về bản thân, gia đình, xã hội chưa thấy ổn, mà cái chết đã kề cận một bên rồi! Môn Niệm Phật đối với người tại gia rất cần thiết! Bởi thân đắm vào lò lửa trược trần, tâm chìm trong ngục tù phiền não, khi một hơi thở chẳng vào thì nghiệp tam đồ kế tiếp. Nếu không nhờ sức Phật, làm sao đối địch nổi với cảnh này? Với những kẻ tạo nghiệp chẳng lành đang bị ác báo, thì công đức của Phật hiệu, sự hộ trì của tha lực lại càng khẩn yếu. Đại khái như Chung Quỳ và Duy Châu, nếu chẳng nhờ một câu hồng danh thì làm sao được giải thoát? Thế mới biết bi nguyện của Phật thật vô cùng rộng sâu, chẳng bỏ sót một chúng sanh nào cả!
 

Trích từ: Mấy Điệu Sen Thanh
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Mấy Điệu Sen Thanh, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Cố Nguyên
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Trương Thủ Ước
Cư Sĩ Bành Tế Thanh