Tuy chư Phật, chư tổ cùng tán dương pháp môn Tịnh Độ, nhưng trong hiện tại, đối với giáo pháp cả một đời của đức Phật, các sĩ phu còn chưa buồn nhìn đến. Nếu chẳng phải là đã có linh căn từ trước, há có thể nghe đến, tin tưởng sâu sa pháp môn này ư? Nay tôi xin vì các vị lược cử một hai điểm trọng yếu trong các kinh Đại Thừa để quý vị có thể hiểu đại khái được các điều khác, hòng biết pháp môn này thù thắng, dễ sanh lòng tin ưa.

Chẳng hạn như kinh Hoa Nghiêm, giáo môn rộng lớn, là vua trong các kinh, tựa hồ mặt trời chói lọi giữa hư không chói lấp các ngôi sao, như núi Tu Di sừng sững giữa biển, cao vượt hơn hẳn mọi ngọn núi khác. Những thế giới được nói trong kinh cũng chẳng phải là “hằng hà sa số” mà là “bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số”. Phổ Hiền Bồ Tát dùng trí thông lực, nhìn thấu suốt vô biên hương thủy hải, vô biên cõi nước như nhìn trái cây đặt trong lòng bàn tay. Từ gần đến xa, với mỗi một phương ngài đều chỉ rõ danh hiệu, tướng trạng của từng cõi nước.

Thế giới Cực Lạc nằm trong sát độ của đức Tỳ Lô Giá Na. Sát độ này gồm hai mươi tầng, trên rộng dưới hẹp, hình dạng như cái tháp lật ngược. Sa Bà và Cực Lạc cùng thuộc tầng thứ mười ba. Trong tầng này có mười ba Phật sát vi trần số thế giới san sát. Thế giới Cực Lạc chỉ là một trong các thế giới ấy. Để hình dung các thế giới trong sát độ của đức Tỳ Lô Giá Na nhiều như thế nào, trong một trăm năm hãy lấy hết gạo trong Thiệm Bộ Châu dồn thành một đống, thì mỗi một thế giới giống như một hạt gạo trong đống gạo ấy! Huống hồ là nhìn đến bao nhiêu thế giới trong vô biên sát chủng (5) ở ngoài sát độ của đức Như Lai, há có thể nói, nghĩ, tính, bàn được ư?

Kinh văn rộng lớn như thế, cuối cùng kết thúc bằng việc Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn quay về Cực Lạc, chỉ dạy sanh về thế giới An Dưỡng, chỉ nguyện thấy Phật A Di Đà. Những lời khuyến phát chuyên tinh, thiết tha, đinh ninh nhắc đi nhắc lại được chép trong phẩm Hạnh Nguyện tôi chẳng cần phải chép vào đây.

Vả nữa, Phật diệt độ sáu trăm năm, vị tổ thứ mười hai bên Tây Thiên là Mã Minh đại sĩ ứng theo lời huyền ký của Phật, trùng hưng chánh pháp, gộp ý nghĩa của một trăm lạc-xoa (6) kinh điển Đại Thừa tạo thành bộ luận đặt tên là Khởi Tín nhằm khiến chúng sanh đời mạt phát khởi chánh tín đối với Đại Thừa. Ví như mượn các sợi màu để dệt thành gấm, gầy mật từ trăm hoa; những lập thuyết, phân tích của ngài đạt tới mức tinh vi cùng cực, trình bày toàn vẹn hết thảy pháp môn, các thứ tam muội khiến cho ai nấy tu tập, chánh tín. Ngài lại nghĩ hết thảy pháp môn, các thứ tam muội đều là khó tu nhưng dễ lui sụt, nên cuối luận, Ngài lại chỉ ra mặt trời phương tiện dễ dàng thù thắng của chư Phật.

Hơn nữa, sơ học Bồ Tát trụ trong thế giới Sa Bà này gặp phải các nỗi khổ: lạnh, nóng, mưa gió trái thời, đói kém v.v... hoặc gặp phải chúng sanh bất thiện, đáng sợ, bị tam độc quấn trói, quen hành ác pháp. Trong những cảnh ngộ đó, nếu Bồ Tát lòng sanh khiếp nhược, sợ rằng chẳng thể thành tựu tín tâm thanh tịnh, đâm ngờ, muốn lui sụt thì hãy nên nhất tâm chuyên niệm Phật và Bồ Tát để sanh tâm quyết định. Nhờ đó, lúc mạng chung ắt được sanh vào các cõi nước của chư Phật, gặp Phật, Bồ Tát, vĩnh viễn thoát khỏi đường ác. Như trong kinh nói: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân chuyên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, dùng các thiện căn hồi hướng nguyện sanh, ắt quyết định được sanh, thường thấy đức Phật ấy, tín tâm tăng trưởng, vĩnh viễn chẳng lui sụt, được dự vào chánh vị”.

Vì thế, biết rằng: khi đức Phật còn tại thế thì có các vị Văn Thù, Phổ Hiền; sau khi Phật diệt độ, có Mã Minh, Long Thọ, các vị đại sĩ như thế đều khuyên vãng sanh. Các ngài lại tự nguyện được vãng sanh để thân cận Di Đà. Ngoài ra, như trong các bộ kinh lớn khác như: Bảo Tích, Đại Tập v.v... đều xưng dương, khen tụng, khuyến khích, nhưng chẳng thể nêu được hết. Tịnh độ của mười phương chư Phật vô lượng, nhưng kinh luận lại đặc biệt khuyên quy hướng cõi Cực Lạc là vì ba ý:

- Một là vì đức Phật ấy có nhân duyên lớn đối với người trong cõi này nên chẳng luận là sang, hèn, hiền, ngu, già, trẻ... ai nấy đều biết đến danh hiệu của Phật A Di Đà. Như ai gặp lúc oan khuất, khổ sở, mở miệng thốt ra lời không ai là chẳng niệm danh Ngài.

- Hai là vì Pháp Tạng tỳ kheo nguyện lực thù thắng. Ngài tom góp toàn bộ các sự trang nghiêm của hai mươi mốt ức cõi Phật thanh tịnh để trang nghiêm một thế giới Cực Lạc. Ngài phát ra bốn mươi tám nguyện rộng sâu tiếp độ chúng sanh niệm Phật trong mười phương sanh về nước Ngài. Tuy chư Phật quả đức thật sự bình đẳng, nhưng trong lúc tu nhân [thệ nguyện sai biệt] nên đối với nguyện lực vô sai biệt “tùy ý nhiếp thọ chúng sanh” bèn có sai biệt vậy.

- Ba là A Di Đà Phật chính là Pháp Giới Tạng Thân, thế giới Cực Lạc chính là Liên Hoa Tạng Hải, thấy một đức Phật chính là thấy vô lượng Phật, sanh về một cõi chính là sanh trong vô lượng cõi, niệm một đức Phật chính là niệm hết thảy chư Phật, tức là được hết thảy Phật hộ niệm vì Pháp Thân bất nhị, chúng sanh và Phật bất nhị, đức Phật được niệm và người niệm Phật bất nhị.

Dù các kinh luận đã rộng tán dương cõi ấy, nhưng chúng sanh cõi này thoạt đầu chẳng hề biết đến, chỉ đến khi Viễn Công vào đời Tống quật khởi ở núi Khuông Lư, sáng lập Liên Xã, danh hiền, đại nho thời ấy tự nhiên kéo đến. Ngay cả những vị như Lưu Di Dân, Tông Lôi v.v... đều khâm phục, học theo, nên giáo đạo bèn lan truyền rộng rãi. Tiếp đó, từ đời Đường, Tống đến nay, Thiền Học ngày càng thạnh hành, hàng sĩ đại phu, kẻ có trí thức đa phần ngưỡng mộ Tông môn, hướng đến những điều cao lạ, nhưng từ trên xuống đến dưới, trong cả một ngàn một trăm năm, người thật sự kiến tánh chẳng qua chỉ có mấy người như quan thị lang Dương Ức, phò mã Lý Tuân Úc, lang trung Hứa Thức mà thôi. Ngoài ra chỉ toàn là hạng dạo chơi ngoài sân, trước cửa, khiến cho pháp môn dễ dàng thù thắng chẳng thể nghĩ bàn này chỉ dành riêng cho hàng ngu phu, ngu phụ.

Trong thời gian ấy, tuy có năm ba vị tôn túc tiếp nối chí Tổ, nhưng chưa tiếp độ được nhiều kẻ căn cơ cao, chưa rộng độ các phẩm. Mãi cho đến cuối đời Minh, bèn có đại sư Vân Thê Châu Hoằng nương bi nguyện xưa, dùng thuần Nho thoát tục để chuyên hoằng dương Tịnh nghiệp. Cố nhiên những bậc danh hiền thời ấy theo về, tin tưởng Ngài rất nhiều, nhưng những kẻ hủy báng, cật vấn Ngài cũng chẳng phải là ít. Đại sư do hoằng tài diệu biện nên bách chiến bách thắng, biến những điều đó thành niềm vui pháp hỷ nên Tăng, tục hâm mộ, ngưỡng phục gần như Viễn Công phục sanh, Vĩnh Minh tái thế. Đạo Tịnh Độ lại được trùng hưng mạnh mẽ. Như vậy Ngài đã hưng khởi pháp môn bị chìm đắm cả hơn một ngàn năm, công ấy chẳng vĩ đại lắm sao?

Cho đến giờ đây, mạt pháp tối tăm, chúng sanh phiền cấu nặng nề trong đường hiểm ác mà bỏ mất người hướng dẫn tốt lành này thì chẳng đáng than dài sườn sượt ư? Đời tôi đã xế, chẳng được thân cận học hỏi đại sư, di ngôn quý báu của Ngài khác nào khuê bích (8). Mỗi phen giở ra xem, liền chẳng ngăn nổi lệ ứa ròng ròng, phát khởi tâm ý mạnh mẽ.

Kể từ khi trụ ở chùa Phổ Nhân đến nay, thường được tụ họp cùng các vị hiền nhân, sáu thời hành đạo, rất hợp lòng mong, nhưng mỗi phen được gặp một pháp hữu, chẳng dám dùng con mắt kẻ tục để nhìn, lòng riêng trộm tính: “Cõi nước hoa sen lại có thêm một người bạn thù thắng. Xưa kia, đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta từng huyền ký: trong cõi này có sáu mươi bảy ức Bồ Tát vãng sanh cõi kia, người này ắt là một người trong số đó”.

Dù biết rằng những kẻ hờ hững, lui sụt thì nhiều, nhưng đã phát tâm niệm Phật, đã vào trong Di Đà nguyện hải thì sẽ như ăn phải một chút kim cang, rốt cuộc chẳng tiêu được nổi. Dẫu siêng, lười, chậm, nhanh khác nhau, rốt cuộc ắt sanh về cõi kia. Đã sanh về cõi kia, rốt cuộc ắt chứng quả, chứng tám tướng thành đạo, rộng độ chúng sanh. Vì thế, lúc vừa dự vào hội, tôi liền mong mỏi [chuyện các bạn sẽ thành] chư Phật vị lai chẳng phải [là chuyện] hư vọng, chẳng biết các bạn tự mong mỏi như thế nào? Nếu các vị cũng mong mỏi giống như lão nạp thì những bạn lành hiện diện đây đều là nhụy sen, cành sen của tôi cả.

Nhưng tôi xem ra, hiện thời những kẻ phú quý, lanh lẹ, thành đạt thì hoặc là tham mến thanh sắc thô tệ, chẳng biết gốc khổ, hoặc tham luyến danh tiếng nhỏ tí như cái sừng con ốc, chẳng biết là hư huyễn, hoặc lại thích trồng trọt, buôn bán kiếm lợi, toan tính kinh doanh. Phí hèn suốt cả đời này, tương lai theo nghiệp lưu chuyển; chẳng biết chẳng nghe đến y báo, chánh báo trang nghiêm thắng diệu trong cõi Phật kia, từ sống đến chết chưa từng khởi một tâm niệm hướng đến vãng sanh, chẳng bằng kẻ tối ngu, cùng quẫn, phần nhiều biết niệm Phật, từ chỗ tối vào chỗ sáng, chuyển sanh vào nơi thù thắng!

Vì thế, nay tôi kính khuyên các bạn: Ai đã ghi danh vào Liên Xã, người ấy chính là hoa Ưu Đàm trong nhà lửa, hãy nên đầy đủ ý nguyện chân thật, phát tâm ưa - chán, coi tam giới như lao ngục, coi vườn nhà như gông cùm, coi thanh sắc như trầm độc (7), coi danh lợi như xiềng xích, coi cảnh ngộ cùng - thông trong mấy mươi năm hệt như giấc mộng đêm qua, coi một kỳ thọ báo trong cõi Sa Bà như nơi quán trọ, ngủ qua một đêm liền bỏ đi, chỉ lấy việc trở về nhà làm trọng. Như ý cũng được, chẳng như ý cũng xong, bỏ được [những chuyện chỉ tồn tại trong] chốc lát, nhất tâm niệm Phật. Nếu thật sự làm được như thế mà chẳng sanh Tịnh Độ thì chư Phật đều thành nói dối. Xin hãy cùng gắng sức.

_______________

(5) Sát chủng: tức là thế giới chủng. Xin xem chương VII, tiết II - “Các thế giới” sách Phật Học Tinh Yếu cuốn II của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm.

(6) Lạc-xoa (laksa): 100 ngàn. 

(7) Khuê bích: còn gọi là ngọc khuê. Khuê là một dụng cụ dùng để tế lễ tạc bằng ngọc thời cổ, trên nhọn dưới vuông. Về sau, các thứ ngọc quý dùng trong tế lễ hay triều cống đều gọi là “khuê” cả. Vì thế, sau này những gì quý báu, phẩm hạnh tốt đẹp đều ví với khuê bích.

(8) Trầm độc: người Trung Hoa thời cổ tin có một loại chim rất độc tên là Trầm (còn đọc là Chậm), lông nó rớt xuống nước cá liền chết tươi.
 
Trích từ: Tịnh Độ Cảnh Ngữ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
6 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
8 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
9 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
10 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
11 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
13 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Khuyên Phát Lòng Tin Chân Thật
Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu

Giãi Bày Khuyên Nhủ
Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu

Văn Khuyên Niệm Phật
Đại Sư Đạo Bái

Khuyên Phát Tâm Niệm Phật
Cư Sĩ Bành Tế Thanh