Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Chu-Phat-Bo-Tat-Giup-Do-Chung-Sanh-Dang-Bi-Kho-Nan-Nhu-The-Nao...?

Chư Phật Bồ Tát Giúp Đỡ Chúng Sanh Đang Bị Khổ Nạn Như Thế Nào...?
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Những năm gần đây, tai nạn ngày càng nhiều, đời sống chúng sanh ngày càng khổ, từ đây trở về sau sẽ càng nghiêm trọng hơn.  Có người hỏi tôi: ‘Phật, Bồ Tát đại từ đại bi làm sao đến cứu độ hết thảy chúng sanh khổ nạn?’.  Những lời nói này chẳng sai nhưng ý nghĩa chân chánh trong đó hoàn toàn bị hiểu sai.  Chư Phật, Bồ Tát từ bi cứu độ, chẳng phải nói chúng sanh thiếu thốn đồ ăn, quần áo, Phật liền tặng lương thực, cho quần áo.  Phật giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, làm cho chúng sanh hiểu rõ nguyên nhân của tai nạn, sau đó tiêu trừ nguyên nhân ấy, vậy thì quả báo tai nạn sẽ tiêu trừ, đó mới là chân chánh cứu độ chúng sanh.  Muốn được hạnh phúc mỹ mãn, tự tại khoái lạc, những thứ này đều là quả báo, quả nhất định phải có nhân; Phật, Bồ Tát dạy chúng ta tu nhân, tu nhân thiện nhất định được quả thiện, ấy mới là đạo lý đúng đắn, cứu độ thực sự.

Lòng từ bi của Thế Tôn được biểu hiện trong cả đời của Ngài.  Phật là Phước Huệ Nhị Túc Tôn, nghĩa là cả phước báo lẫn trí huệ đều viên mãn.  Phước báo đã viên mãn thì tại sao chẳng thị hiện hưởng phước?  Kinh Vô Lượng Thọ giảng người có phước báo lớn nhất trên thế gian này là Ðại Phạm Thiên Vương, nhưng phước báo của Ðại Phạm Thiên Vương còn chẳng sánh bằng phước báo của người vãng sanh về Cực Lạc hạ hạ phẩm.  Từ đó chúng ta mới hiểu phước báo của Phật đích thật là chẳng ai trong thế gian và xuất thế gian có thể sánh bằng.  Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ba chiếc y, một bình bát, ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây, đây là sự thị hiện đại từ đại bi.  Người giàu sang trong thế gian ít ỏi, người nghèo khổ nhiều, nếu Phật thị hiện thân phận người phú quý thì người nghèo khổ nhìn thấy Phật chỉ có ngưỡng mộ nhưng chẳng dám đến gần.  Phật thị hiện bần tiện đến cùng cực, người bần tiện nhìn thấy Phật giống y như mình thì sẽ cảm thấy rất thân thiết nên tâm sẽ bình.  Ðây là sự đại từ đại bi của Phật, chúng ta phải thể hội điểm này.

Nếu những người học Phật đều giàu sang, cao quý, chỗ ở đều giống hoàng cung, khi ra đường đều ngồi xe sang trọng, mắc tiền thì những người nghèo khổ nhìn thấy sẽ nghĩ ra sao?  Ðặc biệt là tiền tài, sự hưởng thụ của người xuất gia là do mười phương cúng dường, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật cũng chẳng hưởng thụ như vậy.  Cả đời đức Phật chẳng cầu người ta, mỗi ngày trì bát khất thực thì cũng chỉ đi trong vòng bảy nhà mà thôi, nếu đi cả bảy nhà không được hoặc chẳng đủ thì ngày hôm đó sẽ nhịn đói một ngày; khi khất thực nhà thứ nhất mà đủ rồi thì sẽ chẳng đi xin ở nhà thứ hai.  Sự thị hiện này là nhằm dạy chúng ta phải biết đủ, thường vui, bịnh căn của người thế gian là chẳng biết đủ nên mới chiêu cảm đến vô lượng vô biên họa hại.

Học Phật tức là học tập theo Phật, bất luận là thân phận gì, bất luận làm ngành nghề gì, đều phải học tập tinh thần, quan niệm, từ bi của Phật, vả lại phải thực hiện trong đời sống.  Sanh hoạt của chính mình phải giản dị, chất phác, phải biết đủ, có dư phải chia xẻ với hết thảy chúng sanh cùng hưởng, đây là chỗ khác nhau giữa quan niệm của chư Phật, Bồ Tát và người thế gian; Phật, Bồ Tát có phước thì mọi người cùng hưởng, phàm phu có phước thì một mình hưởng, chẳng chịu phân chia cho người.  Phật chẳng những chỉ dùng ngôn ngữ dạy dỗ chúng sanh, Ngài nói được làm được.  Ngài thực sự nhìn thấu, nhìn thấu nghĩa là thông suốt hết tất cả lý sự, nhân quả trong thế gian và xuất thế gian.  Ngài thực sự nhìn thấu, chẳng quyến luyến bất cứ một pháp nào trong thế gian và xuất thế gian, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần chẳng tiêm nhiễm một tí nào hết.  Hiện nay có rất nhiều đồng tu cảm thấy nghiệp chướng của mình nặng nề, tai nạn quá nhiều, họ làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng, hóa giải tai nạn, thực ra đó chính là sự thị hiện trong suốt cả đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni.  Nếu chúng ta học được rồi, lợi ích vô lượng vô biên, chẳng những tai nạn trước mắt có thể tiêu trừ, nghiệp chướng tập khí từ vô thỉ cũng có thể đoạn dứt.

Do đó có thể biết chúng ta học Phật đích thật là quá sơ ý.  Phật pháp chẳng có bí mật, bày trước mắt chúng ta vô cùng rõ ràng, nhưng chúng ta nhìn không thấy, và cũng chẳng cảm được, đây là vì chúng ta nghiệp chướng sâu nặng.  Mặc dù chúng ta đọc kinh, nghe kinh nhưng vẫn chẳng hiểu ý nghĩa trong kinh, chẳng thể thực hiện những lời dạy này và áp dụng vào trong đời sống hiện thực hằng ngày, cho nên chẳng đạt được lợi ích chân thật.  Chúng ta chẳng thể trách Phật, Bồ Tát chẳng từ bi, chẳng thể trách Phật, Bồ Tát không giúp đỡ chúng ta; Phật, Bồ Tát thực sự có giúp đỡ nhưng chúng ta chẳng thể hội được, lại còn đánh mất cơ hội nhân duyên, lỗi này là ở tại chúng ta.  Thế nên tự mình phải phản tỉnh, phải sám hối, phải học tập từ trong sự phản tỉnh và sám hối.

Khắc phục phiền não và tập khí của mình chính là tiêu nghiệp chướng.  Phương pháp khắc phục rất nhiều, nhà Phật thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp là phương pháp, môn là cửa vào; cánh cửa khắc phục phiền não và tiêu trừ nghiệp chướng thì vô lượng vô biên.  Trong vô lượng pháp môn này đức Thế Tôn nói với chúng ta Pháp Môn Niệm Phật là phương tiện nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, có hiệu quả nhất.  Nhất định phải hiểu lý luận của sự niệm Phật thì sẽ chẳng hoài nghi, Phật hiệu có thể niệm đến có hiệu quả, có sức mạnh; sức mạnh tức là có thể tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn phiền não.  Niệm Phật có thể tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn phiền não hay không then chốt ở chỗ niệm đúng như pháp hay không, biết cách niệm hay không.  Người biết niệm đúng như lý như pháp thì hiệu quả sẽ vô cùng thù thắng.

Bởi vậy chẳng những phải hiểu ý kinh mà còn phải ‘thâm giải nghĩa thú’, vì hiểu kinh giáo càng sâu, càng triệt để, thì lòng tin càng kiên định, lòng tin có thể chuyển cảnh giới.  Kinh Kim Cang nói: ‘Tín tâm thanh tịnh ắt sanh thật tướng’.  Khi tín tâm thật sự thanh tịnh thì có thể chuyển thập pháp giới thành Nhất Chân pháp giới, Nhất Chân pháp giới chính là thật tướng.  Có thể chuyển biến thập pháp giới thành Nhất Chân pháp giới chính là ‘cảnh chuyển tùy theo tâm’.  Thế nên Phật cứu độ hết thảy chúng sanh bằng cách dạy cho họ tự chuyển cảnh giới, vì cảnh giới là do chính mình tạo thành nên chỉ có mình có thể giải quyết, bất cứ người nào khác cũng chẳng giúp được gì cả, chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng giúp được.  Trong kinh Lăng Nghiêm [có ghi] khi tôn giả A Nan bị nạn, Phật cũng chẳng thể giúp ngài, Phật chỉ nói rõ tiền nhân hậu quả của sự gặp nạn này, sau đó dạy ngài làm sao hóa giải tai nạn, việc này vẫn phải do chính ngài hóa giải.  Tự mình thông đạt hiểu rõ, chuyển tâm hạnh trở lại, tai nạn liền được tiêu trừ, cảnh giới liền chuyển biến.

Khởi một tâm niệm ác, cảnh giới thiện liền biến thành cảnh giới ác; khởi một tâm niệm thiện, cảnh giới ác liền biến thành cảnh giới thiện, rõ ràng nhất là thập pháp giới.  Khởi một tâm niệm bình đẳng thì pháp giới Phật hiện tiền; khởi một tâm niệm Lục Ðộ thì pháp giới Bồ Tát hiện tiền; khởi một tâm niệm tham sân, một niệm thập ác, hoàn cảnh sinh hoạt sẽ là ngũ trược ác thế; khởi một tâm niệm thanh tịnh thì sẽ là thanh thái an ổn, chính là Cực Lạc thế giới.  Phật thường nói: ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, vì tướng là hư vọng nên tâm niệm mới có thể chuyển cảnh giới, vả lại sự hư vọng này giống như ‘mộng, huyễn, bọt, bóng’.  Cho nên Phật nói: ‘Các thứ tâm sanh [nên] các thứ pháp sanh; các thứ pháp sanh, các thứ tâm sanh’[42], câu này nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.  Lại nói: ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, chân chánh có thể lý giải triệt để đạo lý này thì sẽ biết tâm chúng ta tưởng như thế nào thì hoàn cảnh thế giới sẽ biến đổi như thế ấy; hoàn cảnh lớn sẽ thay đổi, hoàn cảnh nhỏ cũng sẽ thay đổi; dung mạo của chúng ta cũng sẽ thay đổi, thể chất sẽ thay đổi, tất cả hoàn cảnh sanh hoạt sẽ đều thay đổi, đây tức là ‘cảnh chuyển theo tâm’.  Cho nên chẳng có cảnh giới nào không thể thay đổi, không thể thay đổi là vì chẳng thấu triệt lý luận, chẳng rõ phương pháp, thêm vào chẳng có nhẫn nại nên không được hiệu quả; nếu làm đúng như lý như pháp thì làm sao có chuyện không thay đổi được?

Chỗ thù thắng vi diệu của Phật pháp là hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian không thể nào so sánh nổi.  Ðời này chúng ta may mắn được thân người, được nghe Phật pháp, nếu có thể hiểu một chút nghĩa lý, nghĩa thú thậm thâm [vi diệu] này thì thiệt là rất hy hữu, rất khó được.  Cho nên chúng ta phải nỗ lực hết lòng hết sức để tu học.  Tu học tức là thực hành, làm ra hình dáng cho hết thảy chúng sanh nhìn thấy, đây là thực sự giúp đỡ hết thảy chúng sanh giác ngộ.  Hình dáng là chiêu bài (bảng hiệu), chiêu bài tốt làm cho người ta thấy liền sanh hoan hỷ.  Tướng hảo của Phật chẳng ai có thể sánh bằng nên khi Phật thuyết pháp chúng sanh tin tưởng.  Chỉ cần tu học y theo lời dạy của Phật thì sẽ đạt được tự tại, viên mãn giống như đức Phật, đây chính là hiện thân thuyết pháp.

 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Nhân Qủa
Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Lý Luận và Sự Thật Của Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhận Thức Về Nhân Quả Và Nghiệp
Hòa Thượng Thích Giác Khang