Home > Khai Thị Niệm Phật > Dep-Bo-Chap-Khong-Ta-Kien
Dẹp Bỏ Chấp Không Tà Kiến
Đại Sư Diệu Khẩu | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch


Đức Thích Ca Như Lai một đời thuyết giáo, chánh giáo của Ngài đối với các pháp thiện ác quả báo, nhân duyên, trước sau không hề thay đổi, tuy có câu siêu thoát trăm phi, cũng đâu có câu nào lìa khỏi pháp nhân duyên. Thời nay, có một số người làm những việc đoạn thiện căn và tạo tội đơn đề cực ác, chỉ vì họ không biết Phật Tổ vì người mà phá chấp trừ nghi, dùng lời nói mở dây tháo gút, dựa vào đó, những người thối chuyển chấp trước kia, vọng nói rằng: Trừ ngoài tâm này ra, các hạnh đều không, không Phật không pháp, chẳng thiện chẳng ác, lầm nhận vọng thức cho là chơn, nói ngoài tâm này không có pháp nào có thể được, bèn bác không có nhân quả, chê trách tội phước, nói tất cả hình tượng Phật, Bồ tát chỉ là những thứ vàng bạc, đồng thiếc, đất đá, cây gổ. Tất cả tạng giáo cũng chỉ là một mớ võ tre, lá bối đều là thứ tạp nhạp, chẳng sạch. Giấy mực vốn là thứ không chơn thật, đâu đủ để y cứ. Đối với tất cả công đức làm lành đều phải quét sạch tất cả, gọi là chấp tướng.

Có một số người chuyên nói cái dở của người để khoe cái tốt của mình, hoặc theo cách tham thoại đầu nói rằng không được cố chấp, dạy mọi người phải trong ngoài rỗng không sạch sẽ, mới hoát nhiên đại ngộ, rồi cứ làm các việc ác, dâm nộ si mê và nói đối với đạo việc ấy không ngại, tự hại mình còn hại cả người, trong tâm nghĩ điều xằng bậy, thật chẳng dám nghe như con trùng trong thân sư tử, tự ăn thịt sư tử. Những kiến giải như thế có rất nhiều loại, chắc chắn đây là loại thiên ma ba tuần, hận xưa chưa tiêu, nên theo khuấy phá Phật pháp. Hôm nay, cùng hình xuất gia, mặc áo xuất gia, để đến phá hoại đạo pháp của ta, nên không thương tiếc, thật là rất đau buồn!

Nếu như người ấy chấp nói hình tượng chẳng phải Phật, không biết cái nào là Phật? Giấy mực chẳng phải kinh, không biết cái gì mới là kinh. Nếu tự tâm mình là Phật thì vật nào chẳng phải tâm mà riêng nói tượng thánh nhơn chẳng phải tâm, chẳng phải Phật ư! Nếu tâm đã là Phật thì có người nào không có tâm mà riêng nói tâm ông là Phật, lại dạy người chẳng phải tượng, chẳng phải kinh ư! Chẳng biết rằng tâm của chúng sanh toàn thể ở trong mê, cần phải mượn hình tượng thánh nhơn kinh pháp làm tiêu biểu hiển bày ra làm cho người có chỗ liễu ngộ. Nếu đã liễu ngộ thời biết chơn tâm của Phật và chúng sanh vốn bình đẳng trùm khắp tất cả chỗ. Kinh dạy: “Phật nói các pháp là không vì độ những người chấp có, nếu lại chấp không thì trái với ý giáo hóa của Phật. Thà nói có như núi Tu di, chớ nói không bằng hạt cải.” Dù những ngươi chứng được pháp không vẫn còn bị kẹt ở vị Tiểu thừa, đâu được như Đại thừa Bồ tát từ không vào có, chứng nơi tục và giả, đối với chúng sanh theo như Phật để độ sanh. Cho nên, không kiến tiểu thừa là chỗ chừa bỏ của Đại thừa Bồ tát. Phật dạy pháp Không chưa phải là chỗ liễu nghĩa. Lại nữa, Phật nói pháp Không là muốn hiển bày tánh không, vì tánh không là không lìa có nên gọi là chơn không. Ngày nay người nói không phải xa lìa có mới gọi là không, chấp không thành đoạn kiến, thật rất đáng lo sợ, như rơi vào giếng sâu nguy hiểm, rớt vào vĩnh viễn không ra khỏi. Vĩnh Gia Huyền Giác Thiền sư nói: “Bỏ có chấp không bệnh giống nhau, như sợ chết chìm chui vào lửa” chính là ý này. Ngày xưa, Tỳ Kheo Thiện Tinh vọng nói pháp Không, Tỳ Kheo Ni Bửu Liên Hoa riêng làm việc dâm dục, cả hai đều bị sanh vào địa ngục, đâu chẳng phải là cái gương để người đời sau noi theo. Người đời sau cần phải thấy xe trước ngả, xe sau tránh mới khỏi bị hại. Như người mù dẫn đàn mù thì Thầy và đệ tử tự chịu chìm đắm, thật đáng thương thay!

Lại nữa, nếu người con có hiếu nghe cha mình làm điều tội lỗi, vẫn nhớ đến ơn sanh thành dưỡng dục, vẫn không nhẫn tâm, huống chi chúng ta là con Phật, mang ân xuất thế mà đối với hình tượng Phật, với pháp Phật mà buông lung khinh chê, an nhiên chẳng sợ, thật là đau xót. Người ấy chắc bị vào địa ngục vô gián, trong những núi lửa lớn, mỗi người đều chịu lấy quả báo cho chỗ hiểu sai lầm ngày nay, đâu phải là lời nói dối ư! Dù như Ngài Đơn Hà, Đức Sơn đốt Phật gổ, ngài Văn Thù cầm kiếm bén gặp Phật giết Phật đi nữa cũng chỉ là nhất thời vì người phá chấp, hiển lý chơn thật, đâu phải dùng cách ấy để làm mẫu mực lưu truyền hậu thế sao? Ngày nay, chúng ta là bậc hậu sanh, chẳng hiểu phương tiện của người xưa, lại ăn lấy các thứ đờm dãi của họ, một hướng mê lầm nói phá điện Phật, đốt Phật gổ là thực hành đạo cứu kính, đây là điều điên đảo không thể chấp nhận, nếu tuân theo lời nói ấy chỉ cần đốt phá là đạo, thì ngày nay các trang Thích tử trong thiên hạ như Văn Thù mang kiếm bén theo mình có Phật giết Phật, không Phật phá tượng gọi là đạo thì không cần dùng truyền các pháp định huệ cũng được gọi là đạo ư!

Pháp Phật được truyền lại trong đời đều nhờ kinh tượng hình phục oai nghi, người tu thiện nương nhờ nơi pháp mà được, nếu nay đem bỏ hết đi thì Phật pháp làm sao còn lưu lại trong đời? Vì thế, trong kinh Phật dạy: Đối với kinh tượng mà không chí thành kỉnh trọng, còn mang đại tội, huống khinh hủy, tội nghịch ấy phải biết vô cùng to lớn. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có nói: “Đề Bà Đạt Đa khi xưa làm vị tiên A Tư Đà là Thầy của đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Thích Ca kiếp ấy đã dùng thân mình làm giường tòa, phụng sự cúng dường. Nay đức Thích Ca đã đầy đủ hạnh lục độ, tướng tốt màu vàng, chứng tứ vô úy, bất cọng pháp, thần thông đủ đạo lực thành Phật độ chúng sanh, đều nhờ thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa này mà sớm thành tựu. Nay đức Thích Ca đã chứng qua, Đề Bà làm hại ngón chân út của Phật, còn không thoát khỏi cái khổ nhiều kiếp ở địa ngục, hà huống sau khi Phật diệt độ lại đem việc không tà dối nói đâu thể nào khỏi quả địa ngục được.

Lại nữa, Phật nói pháp không là vì muốn người tu biết được thể không mà dứt ác nghiệp, vì sao ta không biết được ý Phật, trở lại chấp không, lui sụt thiện tâm, đâu chẳng phải điên đảo lắm sao? Người ấy lại ở trong chỗ ác nghiệp nói ta vô ngại, không biết ở thiện pháp có ngại gì mà không chịu tu! Ngày xưa, có một Thiền sư đáp học giả cho rằng người đắc đạo không chi phối bởi luật nhơn quả còn bị năm trăm kiếp đọa làm thân chồn, không nhờ Thiền sư Bách Trượng không thể thoát kiếp chồn. Huống chi ngày nay vọng nói pháp Không, bác không có nhơn quả! Không sợ quả báo đời sau, thả ý nói dối, chẳng phải chỉ phá hủy kinh tượng, lại đem người ăn chay so sánh như trâu bò ăn cỏ, người nói pháp hư ngụy như thế tội nặng biết chừng nào? Họ đâu biết rằng hiểu biết bằng trí huệ như người có mắt sáng, hành đạo như người có chân khỏe, có mắt mà không chân, tuy thấy rõ mà không đến được; có chân mà không mắt nên có đi mà chẳng thấy đường, vì không thấy nên bị rơi vào hầm hố, đã không đi làm sao đến nơi Bảo sở. Đã không đến được Bảo sở, lại chạy theo thị phi, đã rơi vào hố hầm, thân mạng đều mất. Nên kinh nói: “Năm độ như mù, trí huệ là có mắt đi đúng đường, mù mà đi chắc rơi vào chỗ xấu, có mắt đi đúng đường chắc đến Bảo sở. Đâu nên nói những lời trái với ý kinh giáo mà có kết quả ư! Biết rằng giải và hạnh đều là chỗ cốt yếu của người tu dù người có hạnh mà không giải không bằng huệ giải là hàng đầu để hành đạo. Nếu có giải mà không hạnh thì Bồ Đề có thể phát khởi, có hạnh mà không giải, khó hội nhập vào viên thừa, nên biết đức Văn Thù giải sâu là Thầy của chư Phật, đức Pjhổ Hiền hạnh lớn làm cha của quần sanh, đâu có thể thiên lệch một bên mà tự chấp sao? Tổ Nam Nhạc của Thiền tông đã nói: giống như một vật thì không trúng, nhưng tu chứng thì không thể không, nhiễm ô thì không thể được. Đây là yếu chỉ để ngộ đạo nhập môn. Huống chi người thời nay tà kiến rất sâu thì làm sao mau thoát khỏi chỗ nguy hiểm cực khổ.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Người nói tự mình đã đầy đủ, bỗng nhiên khởi đại ngã mạn, trong tâm còn dám khinh các đức Như Lai trong mười phương hà huống các bậc thấp như Thanh Văn, Duyên Giác. Họ bỗng nhiên hướng về chỗ vĩnh viễn lặng lẽ, bác không có nhơn quả, một hướng nhập không, tâm không hiện tiền, liền hết lòng sanh trưởng sự hiểu biết đoạn diệt, không lễ tháp miếu, phá hủy kinh tượng, nói với đàn việt đây là vàng đồng, đất gổ, chẳng phải Phật, kinh là lá cây, thẻ tre, nhục thân ta là Phật thật, không tự cung kỉnh lại đi sùng bái cây đất, thật là điên đão. Những người tin theo, đập phá hình tượng, hủy hoại kinh điển làm nghi lầm chúng sanh, vào địa ngục vô gián, làm mất chánh thọ phải chịu khổ thân. Căn cứ vào lời dạy trong kinh thì biết đức Thế Tôn đối với người vọng nói pháp Không, chưa được nói được, chưa chứng nói chứng, đã dự biết người ấy sẽ bị đọa vào địa ngục, rõ ràng như vậy, người đời nay đâu thể trốn thoát lời Phật đã ghi ư!

Có người nói: Ông Đề Bà Đạt Đa kia vào địa ngục khổ ta đâu sợ gì, họ không biết rằng, Đề Bà Đạt Đa do tâm muốn chống đối với Phật, nên ở trong địa ngục không phải chỉ không khổ mà vui như ở vị tam thiền, nhưng vì thân khẩu ý chê Phật, nên ở trong địa ngục chịu đủ vô lượng thứ khổ. Đức Phật từ bi tha thứ thương xót trị bịnh cho y mà nghiệp quả hại Phật vẫn bị khổ vô lượng nơi địa ngục. Huống hồ ngày nay có người bắt chước, bảo người khác đối với kinh tượng không sanh lòng kính tin, coi như gổ đất, coi kinh như đống sách cũ. Đó là hạng không biết nhơn quả, không biết tội phước, trái lời Phật dạy, làm việc ngũ nghịch, những ác báo như thế làm sao cứu được.