Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Y-Nghia-Chinh-Yeu-Cua-Tinh-Phap-Giai-Thoat

Ý Nghĩa Chính Yếu Của Tịnh Pháp Giải Thoát
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Ðã biết chúng ta cần phải tu hành theo lời Phật dạy, tu hành cần phải có chứng nghiệm. Không có chứng nghiệm thì chẳng đáng tin. Chứng nghiệm tức là giải thoát. Trước mắt có thể lìa khổ được vui, sau này có thể vãng sanh Tây Phương. Giải thoát là chẳng phải chịu các sự đau khổ, không phải chịu sanh tử trong tam giới, chuyện này phải có duyên mới làm được. Các sự đau khổ vốn rất nhiều, khi nào được giải thoát thì mới giải quyết vấn đề [chấm dứt đau khổ]; do đó, mong cầu giải thoát là chuyện vô cùng quan trọng.

Đức Phật dạy rất nhiều pháp môn, hết thảy đều phải đoạn Hoặc (chế ngự phiền não) mới được giải thoát. Tịnh Pháp (pháp môn Tịnh Ðộ) chẳng nằm trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, mà do đức Phật đặc biệt lập ra nhằm khế hợp căn cơ của chúng sanh trong thời Mạt Pháp. Vì vậy cũng dính dáng với chuyện đoạn Hoặc, nếu vậy thì tại sao gọi là Tịnh Pháp? Thật ra, Tịnh Pháp không nhất định phải đoạn Hoặc, không cần phải đoạn Hoặc cũng được, đây là điểm đặc biệt của Tịnh Pháp. Ngoài pháp môn Tịnh Ðộ ra, [các pháp môn khác] đều phải đoạn Hoặc, dù chỉ còn một tí Hoặc chưa đoạn thì cũng không thể liễu sanh tử. Người không học Phật không tin pháp môn Tịnh Ðộ, mà ngay cả phần đông người học Phật cũng đều chẳng tin, vì vậy, phải nói rõ nghĩa lý này thì mới có lòng tin chân thật. Nếu không, sẽ có nhiều người tuy tu Tịnh Ðộ mà cũng chẳng hiểu lý này, cũng vẫn mê tín, như vậy thì sẽ không thể thành công.

Mọi người đều biết đức Phật A Di Ðà [mà chúng ta] thờ phụng tại [chánh điện trong] Liên Xã chẳng ở tại thế giới này mà ngự tại Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hoàn cảnh thế giới Cực Lạc là như thế nào? Kinh A Di Ðà nói: “Ðều do bảy báu làm thành” chẳng giống như thế giới Sa Bà đều do đất, cát làm thành. Vì vậy, thế giới Cực Lạc tốt đẹp hơn thế giới chúng ta gấp ngàn vạn lần, ai có thể sanh về thế giới tốt đẹp như thế?

Trả lời: Người nào tu thì người đó sẽ về.

Tu pháp nào? Tu pháp môn Tịnh Ðộ.

Tu như thế nào? Nói vắn tắt là niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật”.

Có phải chỉ niệm A Di Ðà Phật là được rồi? Không được! Còn một chút phiền toái, phải niệm đến mức nhất tâm bất loạn – nghĩa là chỉ có A Di Ðà Phật trong tâm, ngoài ra không có tâm nào khác – thì mới được, cũng tức là niệm đến mức ngũ dục lục trần đều chẳng quyến rũ nổi thì mới được, chuyện này chẳng dễ! Vậy thì niệm như thế nào mới được nhất tâm bất loạn, không niệm thì không đạt được, phải không? Lý này khó hiểu, nhưng phải hiểu, nếu không, sẽ niệm không đúng pháp, [như vậy] cũng là mê tín, cũng chẳng thể thành công.

Lý do khiến chúng ta không đạt được nhất tâm là vì chúng ta có Hoặc, Hoặc là gì? Hoặc tức là mê hoặc, điên đảo, bản tánh của chúng ta đã bị vô minh bao phủ chẳng phát ra quang minh, người xưa nói “mê mất bản tánh”. Như vậy thì là hồ đồ, u mê, chẳng biết làm việc thiện. Chẳng làm việc thiện thì tư cách làm người cũng chẳng đủ, làm sao có thể vãng sanh, giải thoát, chứng quả vị Phật cho được? Do đó, những gì tương phản với nhất tâm đều là Hoặc, cần phải đoạn chúng. Bất luận pháp môn nào do Phật dạy đều phải đoạn Hoặc, đoạn Hoặc thì sẽ thành công, không đoạn thì chẳng thành công.

Chúng ta mê hoặc rất nhiều, chủ yếu là hai thứ Kiến Hoặc và Tư Hoặc. Kiến Hoặc là ý kiến mê hoặc, điên đảo, kiến giải không đúng. Tu hành phải cầu chứng quả, nếu đi lạc đường thì làm sao chứng quả? Kiến Hoặc chia ra năm loại: Thân Kiến, Biên Kiến, Giới Thủ Kiến, Kiến Thủ Kiến, Tà Kiến. Nêu một thứ có thể bao gồm những thứ còn lại, thí dụ như Thân Kiến: Thân vốn chẳng có, thân vốn chẳng phải là tôi, coi thân này là ‘tôi’ thì đó là Hoặc. Lý này khó hiểu, người ta thường nói: “Người nào đó Ngã Kiến rất nặng”, và “muốn trừ phiền não thì phải vô ngã’. Khổng Tử cũng dứt tuyệt những chuyện “ý, tất, cố, ngã”, nêu gương “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”[8]. Bất luận chúng ta làm việc gì, đặt một chữ Ta đi đầu thì đều là ác. Chỉ có Ta mà không có người khác thì làm sao làm công việc tốt đẹp cho được? Có Ta thì tất cả lợi ích đều phải gom về Ta, người khác nhất định phải chịu thiệt thòi. Chuyện lớn nhỏ gì cũng giữ cái tâm cho mình trước, đó là Ngã Kiến, là một căn bệnh nặng nhất, người học Phật gọi là Thân Kiến. Khi trừ bỏ cái Ta, thân cũng không còn nữa. Phàm người tu Tịnh Ðộ đều biết khi vãng sanh về thế giới Cực Lạc cũng có một cái thân. Thân con người là một vật xấu xa, ô uế nhất, bảy khiếu[9] đều chẳng sạch, hôm nay chết đi, ngày mai liền sanh giòi, hạt giống tinh cha huyết mẹ chẳng tịnh, lúc sanh ra cũng chẳng sạch. Còn ở thế giới Cực Lạc là hóa sanh từ hoa sen, thân thể thanh tịnh. Hai thân thanh tịnh và thân xương thịt phàm phu không thể tồn tại cùng lúc, quý vị muốn có thứ nào? Tâm đặt ở đây thì có thân này, tâm đặt nơi Tây Phương sẽ có thân của người cõi Cực Lạc; nhưng có người nào chẳng yêu thương cái thân giả tạm trước mắt? Nếu chẳng phá cửa ải Thân Kiến này, sẽ chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ngược lại, nếu quý vị chẳng yêu thương cái thân giả tạm này, tâm quý vị sẽ từ từ chẳng đặt nơi đây mà đặt nơi cõi Cực Lạc, vậy thì sẽ vãng sanh được. Phần đông người ta đều nghe nói đến nghĩa lý của cái thân và Ta này, nhưng người thấu hiểu chẳng nhiều, như vậy chính là mê hoặc. Như vậy thì làm sao thành tựu? Chỉ có một chuyện này cũng rất khó làm rồi, huống chi bốn thứ còn lại đều chẳng dễ phá trừ.

Kế đó là Tư Hoặc, cũng có năm loại, Tư Hoặc là gì? Là những gì chấp chứa trong tâm, vĩnh viễn chẳng phá trừ, thứ nhất là Tham. Chúng ta vừa thấy vật gì liền yêu mến vật đó, ưa thích có mức độ nặng nhẹ, [thí dụ] tôi ưa chùi mồ hôi, ưa là còn nhẹ, nặng thì gọi là tham. Nếu chúng ta chẳng muốn thoát ly tam giới thì cứ tham. Tam giới gồm có sáu tầng trời Dục Giới, mười tám tầng trời Sắc Giới, bốn tầng trời Vô Sắc Giới, tổng cộng hai mươi tám tầng trời. Thử hỏi chư vị: Chúng sanh tham những gì? Người nào ở Sa Bà thế giới đều tham năm thứ. Thứ nhất là tiền tài, vàng bạc châu báu người nào chẳng thích? Thứ hai là tình yêu nam nữ, nếu chẳng thích thì chẳng có nam nữ. Thứ ba là danh lợi, thử hỏi ai chẳng bận rộn vì danh lợi? Thứ tư là ăn uống, người nào chẳng ăn uống? Thứ năm là ngủ nghỉ. Tham muốn năm thứ này thì chẳng rời khỏi tam giới, thường xoay vần trong vòng lục đạo. Ngược lại [không tham], sẽ chẳng bị kẹt trong tam giới. Người tu Tịnh Ðộ có thể không đoạn Hoặc, nhưng tham và Thân Kiến nhất định phải dứt trừ. Ở thế giới Sa Bà đầy dẫy tài - sắc - danh - thực - thùy, thế giới Cực Lạc chẳng có những thứ này, vì vậy, trước hết phải đoạn dứt lòng tham.

Người chẳng tu Tịnh Ðộ phải đoạn dứt tổng cộng một trăm chín mươi ba phẩm Kiến Tư Hoặc; chúng sanh trong tam giới chẳng biết đến Kiến Tư Hoặc, [phần đông đều] mê hoặc, điên đảo, chẳng hiểu rõ nghĩa lý. Thế nào là chẳng hiểu rõ nghĩa lý? Như chúng ta ngày nay thọ khổ báo, thọ quả báo đều là do những ác nghiệp đã tạo trong kiếp trước tích tụ lại, đây là Khổ Ðế. Muốn không thọ khổ thì phải làm sao? Phải cầu không sanh, không diệt; muốn đạt được không sanh không diệt, phải tu đạo. Lúc đức Phật thành đạo và bắt đầu chuyển pháp luân, Ngài đã giảng về Tứ Ðế Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Đối với căn tánh thông thường của chúng ta, suốt tám mươi năm cũng không đoạn được một phẩm Kiến Hoặc, người có thể đoạn một phẩm Kiến Hoặc trong tám mươi năm đã thuộc về thượng căn rồi! Thế thì muốn đoạn một trăm chín mươi ba phẩm Kiến Tư Hoặc phải mất mấy ngàn vạn năm! Dù đã đoạn dứt trọn hết một trăm chín mươi hai phẩm, hễ còn một phẩm chưa đoạn thì vẫn chưa thoát ly sanh tử, chưa thoát khỏi tam giới. Vì thế mới nói tự lực rất khó thành tựu và đòi hỏi phải có thời gian rất dài.

Pháp môn Tịnh Ðộ có hai lực, cần có tự lực trước rồi sau đó mới có tha lực giúp đỡ -- tức là sức mạnh của A Di Ðà Phật. Đức Phật biết chúng sanh thành tựu khó khăn nên đại từ đại bi đến giúp đỡ, chúng ta cầu thoát ly tam giới, thử hỏi rời khỏi tam giới sẽ đi về ở đâu? A Di Ðà Phật là người kỹ sư xây dựng Tây Phương Cực Lạc thế giới cho chúng ta về đó tu học.

Làm thế nào để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới? Kinh A Di Ðà nói nhất tâm bất loạn tức là đoạn được một trăm chín mươi ba phẩm Kiến Tư Hoặc, bảy ngày có thể thành tựu, lúc lâm chung tâm chẳng điên đảo, liền được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Dù lúc lâm chung chẳng có người trợ niệm cũng được vãng sanh, vẫn đắc Thượng Phẩm Thượng Sanh.

Muốn đoạn Hoặc, nhất định phải có công phu định lực, chúng ta không dễ gì làm được. Pháp môn Tịnh Ðộ có một phương pháp đặc biệt, phương pháp này đối với người tu theo pháp môn khác cũng vô dụng, chỉ có tu pháp môn Tịnh Ðộ mới dùng được, pháp đó là “phục Hoặc” (chế ngự phiền não) thì cũng có thể vãng sanh. Hoặc chẳng dễ đoạn, chúng như hạt giống sẽ nẩy mầm, há chẳng hỏng việc hay sao? Người tu Tịnh Ðộ chẳng cần đoạn Hoặc, nhưng cần chấm dứt không làm những việc ác trước kia, cứ để nguyên như vậy đừng đụng tới, chỉ cần giữ cho nó không phát tác, không nẩy mầm. Cứ một mạch niệm A Di Ðà Phật, miệng niệm, tai nghe [Phật hiệu] lọt vào tâm, đối với hết thảy những mê hoặc, điên đảo nào cũng đều dùng câu A Di Ðà Phật đè xuống, đến lúc lâm chung, tất cả những hạt giống thiện mà chúng ta đã làm (hạt giống Phật), và hạt giống ác (những việc ác làm lúc trước) chứa hết trong thức điền thứ tám, [do những hạt giống thiện này nhiều nên chúng bao trùm, che phủ hết các hạt giống ác]. Vì bao phủ bên ngoài nên hạt giống Phật nhảy ra trước, Phật bèn phóng quang tiếp dẫn hạt giống tự tánh Phật này (chẳng tiếp dẫn hạt giống ác). Ðây gọi là “chế ngự phiền não”, chưa đoạn Hoặc mà vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Các pháp môn khác cũng có nói đến “chế ngự phiền não” nhưng chẳng có hiệu quả, vì đè nơi nào thì nó lại khôi phục ở đó, chỉ có pháp môn Tịnh Ðộ là có thể đạt được hiệu quả.

Sức mạnh của A Di Ðà Phật to lớn, nghiệp lực của chúng sanh cũng lớn. Lúc vãng sanh, nghiệp báo vẫn chưa dứt, vẫn còn hạt giống ác, nên gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Vãng sanh rồi mới đoạn Hoặc. Vì cõi Cực Lạc chẳng còn sanh tử, thọ mạng chúng sanh nơi đó vô lượng, quang minh vô lượng, tự nhiên sẽ mở mang trí huệ, lúc bấy giờ, hạt giống A Di Ðà Phật sẽ hoàn toàn hiện lên. Sự hưởng thụ trong cõi ấy vô cùng thù thắng, sự phú quý nơi cõi Sa Bà này chẳng thể sánh bằng. Ngoài ra, người vãng sanh đến cõi ấy có sáu thứ thần thông, muốn lên mặt trăng cũng dễ như lật bàn tay, dù xa cách tám hành tinh, chỉ trong khoảng thời gian khảy ngón tay liền đến được, chẳng cần mất công sức như chúng ta ngày nay. Ngoài ra còn đạt được Nhất Sanh Bổ Xứ, tức là vãng sanh chẳng bao lâu liền thành Hậu Bổ Phật, chẳng bao lâu sẽ thành Phật. Đã thành Phật bèn sẽ giống như A Di Ðà Phật vậy.

_____________

[8] Hàm nghĩa: Khổng Tử xử sự không dựa theo ý kiến ức đoán, không độc đoán mọi chuyện phải làm theo ý mình, mọi chuyện xử sự linh hoạt, không chết cứng, không coi ta là nhất, ai cũng không bằng mình. Đây là một câu nói trong thiên Khổng Tử Thế Gia của Sử Ký nhằm khen ngợi đức hạnh của Ngài.

[9] Thất khiếu chính là hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng
 
Trích từ: Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong Tải Về
6 Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
8 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
10 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
11 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
12 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
15 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Phương Pháp Khai Ngộ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phương Pháp Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Niệm Phật Phải Đoạn Tuyệt Phiền Não
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Pháp Môn Hợp Thời Cơ
Đường Đại Viên

Liệu Giản Pháp Môn
Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu

Pháp Tu Thành Tựu Trong Đời Này
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam

Phương Pháp Niệm Phật
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam

Bốn Thứ Tâm Của Pháp Môn Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm