Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Biet-Qua-So-Nhan-Nen-Can-Than-Gap-Duyen-Dung-Canh-Gang-Tu-Tap

Biết Quả Sợ Nhân Nên Cẩn Thận Gặp Duyên Đụng Cảnh Gắng Tu Tập
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chư vị hãy lắng nghe! Người giảng hay chẳng bằng người biết nghe. “Chư pháp ư cung kính trung cầu” (cầu pháp phải bắt đầu từ nơi cung kính), dù những gì tôi nói chẳng như lúc trước, nhưng cung kính lắng nghe nhất định sẽ đạt được lợi ích của Phật pháp. Huống chi chư vị đã ra sức niệm Phật ba ngày, trong trăm việc bận rộn tìm được thời gian rảnh rỗi, cơ duyên này thật sự là chẳng dễ nên phải gắng sức để đạt được nhất tâm bất loạn. Cung kính, thành khẩn, thiết tha là thiện nhân duyên, mong mỏi được nhất tâm vãng sanh

Trong Tịnh Tông chúng ta có nói “vạn tu, vạn người đi”, hoặc là “mười niệm vãng sanh”, hoặc là “lâm chung trợ niệm vãng sanh” đều là lời nói dựa trên căn cơ để thành lập. Mọi người ai nấy đều có điều kiện [khác nhau], không thể cẩu thả. Thí dụ như việc ăn uống, [thức ăn vừa mua về] không thể ăn liền, phải nấu nướng, chuẩn bị đủ mọi thứ, ăn xong phải dọn dẹp đủ thứ. Lại còn cách thức ăn uống ở mỗi địa phương đều có nhiều cách thức khác nhau. Lý trong Phật pháp cũng như vậy. Trong câu “vạn tu, vạn người đi”, chữ Tu nghĩa là gì? Tu như thế nào? Trước hết phải tìm hiểu, chứ không phải lần chuỗi, miệng niệm khơi khơi bèn gọi là tu. Còn nếu không tu thì làm sao vãng sanh được? Còn nói “mười niệm vãng sanh”, chúng ta niệm Phật đã niệm hết hai mươi lăm năm rồi, đừng nói chỉ có mười niệm, mười vạn niệm cũng chẳng phải là quá đáng. Nếu những niệm đó đều hư dối, chẳng chân thật, tới lúc lâm chung sẽ rất nguy hiểm! Trong mười vạn niệm ấy, chưa từng có một niệm đạt được nhất tâm bất loạn. Còn trợ niệm vãng sanh được coi là bảo hiểm cuối cùng. Trợ niệm nhằm mục đích giúp cho người sắp mất giữ được chánh niệm. Lúc lâm chung, tứ đại phân tán giống như gió, như dao cắt thịt, đau đớn vô cùng, lúc đó rất dễ đánh mất chánh niệm. Nếu có người nhắc nhở và người sắp lâm chung có thể chấp trì danh hiệu thì trợ niệm như vậy mới có hiệu quả. Nếu chỉ có người đến trợ niệm niệm Phật, còn người sắp lâm chung chẳng chịu niệm thì cũng không thể vãng sanh. Do đó mới biết bất luận tông phái nào đều cần phải “Giải Hành tương ứng” (hiểu và hành đi đôi), đối với Lý có thể hiểu rõ, đối với Sự có thể tu hành chân thật. Giải có thể dẫn dắt Hành (sự tu hành), Hành có thể chứng minh cho Giải. Như vậy thì mới không đến nỗi tu mù luyện đui, rơi vào hầm lửa, chư vị phải dụng công căn cứ vào những điều nói trên.

* Gặp cảnh chế ngự phiền não

Chư vị niệm Phật ở đây, cầu được nhất tâm bất loạn, tại sao mong cầu đã lâu mà chưa đạt được? Vì chính mình không thể làm chủ được. Tại sao vậy? Vì chưa minh tâm kiến tánh. Nếu chân tâm bản tánh có thể làm chủ thì sẽ được tự tại, sẽ được nhất tâm bất loạn lâu dài. Nếu tâm vô cùng rối loạn,  mà muốn liễu sanh tử, muốn thoát ra khỏi luân hồi là điều không thể được! Nếu vậy thì không có kế sách nào để có thể làm hay sao? Có chứ, nhất định phải noi theo Phật pháp. Thí dụ như bệnh tật, người bị bệnh phải tự biết mình bị bệnh, phải nghe lời bác sĩ mà uống thuốc. Nếu chỉ nghe qua loa, nhưng không chịu uống thuốc, làm sao lành bệnh cho được? Do vậy, biết muốn đạt được quả “nhất tâm bất loạn” thì phải trồng nhân “tịnh niệm tiếp nối”. Nhưng người tại gia chúng ta phải làm việc để kiếm sống nên không thể chẳng bị nhiều việc trong đời sống trói buộc, vậy thì phải làm sao để tịnh niệm có thể tiếp nối? Trừ lúc làm việc của chính mình phải tận tâm làm tròn trách nhiệm ra, đối với tài sắc, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ, hết thảy đều chẳng quan tâm, để ý tới! Ý chí đều đặt nặng nơi sự liễu sanh tử, còn rảnh rỗi đâu nữa để quan tâm tới những thứ ấy? Nếu cả ngày đều chú tâm những việc đó, không chỉ chẳng liễu sanh tử nổi, e rằng còn tăng thêm rất nhiều hạt giống sanh tử nữa.

Tu hành có chánh công phu và trợ công phu. Chúng ta không thể niệm Phật cả ngày. Người có thể niệm Phật suốt ngày thì chánh công phu là niệm Phật, trợ công phu cũng là niệm Phật. Đó là lời của tổ Ngẫu Ích dạy. Nhưng niệm Phật phải có đầy đủ thiện căn, phước đức. Còn nếu không thể [niệm Phật suốt ngày] thì chánh công phu là niệm Phật, mỗi ngày công khóa cố định chớ nên thiếu sót. Lúc nào không cần phải dùng trí óc, không cần phải dùng tâm trí thì nên khởi lên câu niệm Phật; còn trợ công phu là gì? Chính là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo và Sáu Ba La Mật . Những gì chúng ta làm hằng ngày tuy rất phức tạp, nhưng nếu dùng tâm khéo léo chuyển biến sẽ đều có thành trợ đạo, tùy thuộc chúng ta dụng tâm như thế nào mà thôi. Thí dụ như tôi dạy học nơi đây, nếu chưa từng dụng tâm hướng về Bồ Đề thì chỉ đơn thuần là dạy học mà thôi. Nếu nghĩ đó là bố thí thì dạy học cũng có thể gọi là trợ đạo. Hơn nữa, chúng ta phải luyện tập công phu trong các sự việc đầy dẫy phiền não hằng ngày. Có câu “tâm vốn chẳng sanh, do cảnh mới có”, nếu cảnh không khởi lên, làm sao có thể khởi tham, khởi sân? Khi cảnh giới xuất hiện, tâm chúng ta luôn luôn bị cảnh giới chuyển. Cái gọi là “tu hành” chính là mỗi khi dấy khởi tâm niệm, liền lập tức cảnh giác, chẳng để cảnh giới xoay chuyển. Cổ đức nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm’, mỗi khi khởi tâm tham, tâm sân giận, tự tâm có thể cảnh giác, người niệm Phật chúng ta, lúc tâm biết chính mình đang khởi tham sân, hãy mau niệm danh hiệu Phật để đè nén chúng, đó gọi là “chế ngự phiền não”. Chế ngự phiền não chính là lúc đang làm những việc đầy dẫy phiền não trong xã hội, lúc cảnh giới vui, buồn, sân hận khởi lên, mà có thể đè nén những tâm niệm sân giận ấy, đó chính là công phu. Công phu tức là trong lúc khởi phiền não có thể chuyển đổi nó thành Bồ Đề. Chế ngự phiền não là đè nén những tâm niệm phiền hoặc này, không cho nó tiếp tục khơi dậy.

* Tin sâu nhân quả.

Kế đó là nói về nhân quả. Trước khi nói về nhân quả, phải nói về “niệm đầu” (ý niệm). Xin hỏi quý vị tại sao chúng ta có phiền não? Tại sao lại có thiện tâm? Vì hết thảy đều do có ‘niệm đầu’. Tâm niệm dấy khởi thì vạn pháp sanh, tâm niệm diệt thì vạn pháp diệt. Vạn pháp do tâm tạo, vạn pháp sanh diệt đều do những tâm niệm sanh diệt. Niệm đầu là gì? Niệm đầu tức là nhân duyên, lý của nhân quả ở tại “vạn pháp do nhân duyên sanh”. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta có quá nhiều mê hoặc, điên đảo, trong tám thức điền chứa đầy hạt giống của vạn pháp. Tuy kinh dạy “phàm hết thảy những gì có tướng đều là hư vọng”, nhưng phàm phu vô tri, chấp tướng, chẳng biết nó là vọng, do đó, sum la vạn tượng, sáu trần cảnh do sáu căn làm môi giới, tâm tiếp xúc sáu trần cảnh ấy sẽ phát sanh ra các thứ liền tạo thành ấn tượng. Ấn tượng chính là hạt giống, đó là nhân. Những hạt giống này có thể hun đúc những hạt giống khác khởi lên, tạo thành duyên, đó gọi là Thân Nhân Duyên. Nói tóm lại “tướng huân” của hạt giống có thể chia thành hai:

- Một là “tự loại tướng huân” tức là chủng tử này sanh ra chủng tử khác, khi chủng tử này hiện hành lại khiến cho chủng tử khác cũng hiện hành (“hiện hành” có nghĩa là chủng tử kết quả, tức nhân kết quả, quả ấy lại tạo thành duyên cho quả của nhân khác phát sanh, chín muồi), đó là nhân quả chẳng đồng thời.

- Hai là “dị loại tướng huân”, tức là khi chủng tử hiện hành, thì sự hiện hành ấy lại huân tập thành chủng tử, đó là nhân quả đồng thời (Gọi là đồng thời vì nhân tạo thành quả, quả ấy lại là nhân cho quả trong tương lai, tức là quả là quả của cái nhân này, nhưng quả lại chính là cái nhân của quả khác trong tương lai). Đó là Lý của hạt giống và hiện hành huân tập. Do đó định luật nhân quả -- lúc hạt giống sanh khởi hiện hành, hạt giống là nhân, hiện hành là quả. Lúc hiện hành hun đúc hạt giống thì hiện hành là nhân, hạt giống là quả. Tất cả đều ở trong tâm địa của chúng ta, chẳng cần phải đi đâu tìm nhân duyên, bất cứ lúc nào nhân duyên đều có thể đưa đến, hiểu được như vậy thì chuyện này có đáng sợ hay không? Nếu chúng ta có thể giữ cho tâm mình chẳng chấp trước tất cả pháp thì sẽ không tạo hạt giống nghiệp nữa, nhưng chuyện này đâu phải dễ? Do đó sanh tử luân hồi vĩnh viễn chẳng gián đoạn. Vậy thì phải làm sao? Đáp: chỉ có niệm Phật, làm cho tịnh niệm tiếp nối.

Vì ý niệm đều do những thứ cùng loại dẫn dắt, nếu có thể niệm Phật đến mức thành phiến, một phiến Phật hiệu này liên tục chẳng dứt, câu sau nối tiếp câu trước. “Nam-mô A Di Đà Phật’, chữ Phật vừa dứt thì chữ Nam liền khởi lên, chẳng để cho có mảy may nào gián đoạn. Chỉ có tâm niệm Phật này khởi lên, chẳng có niệm nào khác dấy khởi, Kiến Tư Hoặc không do đâu mà dấy khởi, những tâm tham - sân - si cũng mất biệt thì làm gì có sát, đạo, dâm, vọng từ nơi thân khẩu. Ngược lại, khi niệm tham sân vừa khởi, dù thân khẩu không tạo tác, nhưng vừa khởi tâm niệm, pháp trần bên trong liền bị nhiễm ô, làm sao thoát luân hồi cho được? Do đó, nghiên cứu lý luận nhân quả mới niệm Phật tốt đẹp, mới tu tập từ nơi khởi tâm động niệm, đó là làm cho những gì chưa sanh sẽ không sanh.

* Trực hạ thừa đương (Dám gánh vác ngay trong giây phút đó)

Lúc niệm Phật, tuy không hiểu Lý, nếu chịu khởi lòng tin vững chắc và phát nguyện tha thiết, công phu cũng không nhỏ, toàn Sự là Lý. Sự là gì? Thí dụ như những sự trang nghiêm của cõi Cực Lạc là do A Di Đà Phật muốn nhiếp thọ chúng sanh nên Ngài mới từ bi biến hiện ra. Sự là những việc trang nghiêm, còn chỗ cực kỳ thâm diệu chính là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, chân không huyền diệu là Lý. Do đó, có người châm biếm cõi Cực Lạc là bánh vẽ, là hóa thành, nhưng hóa thành này cũng có sự thọ dụng thật sự. Chư vị chỉ cần có thể chấp trì câu danh hiệu A Di Đà Phật này, Phật hiệu bắt đầu từ tâm, phát ra nơi miệng, âm thanh lọt vào tai, trở lại vào tâm thì sẽ tương ứng. Người niệm Phật [phải biết] cái túi da hôi thối này chẳng phải là mình, tấm thân do tứ đại hòa hợp này chẳng phải là mình, tâm mới là mình, tâm tức là mình, mình tức là tâm; tâm niệm Phật, tâm tức là Phật, Phật tức là mình. Lúc chúng ta niệm Phật, dám gánh vác[12] trong giây phút đó, chẳng hư dối, chẳng khiếp đảm. A Di Đà Phật chính là mình, nay mình niệm Phật, là A Di Đà Phật đang niệm Phật, tự niệm tự Phật, niệm Phật tự tánh, công đức đó rất lớn! Nếu mình là A Di Đà Phật thì không thể chẳng tin nhân quả, phải tự hỏi có vị Phật nào làm việc giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối hay chăng? Thử nghĩ mình là A Di Đà Phật, thân sắc vàng ròng, làm sao có thể làm những việc giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối? Nếu thật sự có thể quán tưởng như vậy, cho dù không hiểu được lý lẽ, tu hành vẫn được lợi ích to lớn.

Những gì nói trên đây có ba điểm chính: Thứ nhất là gặp cảnh chế ngự phiền não, thứ nhì là tin sâu nhân quả, thứ ba là gánh vác tới cùng. Gặp cảnh chế ngự phiền não, gột rửa những hạt giống xấu ác từ trước làm cho thanh tịnh; tin sâu nhân quả, rải hạt giống tốt nhưng không hưởng thụ [phước báo]; gánh vác tới cùng là phương tiện để làm cho Sự Lý viên mãn. Nếu có thể làm được ba điểm này thì lo gì không đạt được nhất tâm bất loạn, lo gì không vãng sanh thế giới Cực Lạc!

Hôm nay chẳng nói dài dòng, xin quý vị bố thí cho tôi lòng hoan hỷ. Bố thí hoan hỷ chính là bố thí vô úy vậy!

_____________
[12] Tức là khi niệm Phật phải nhận biết chính mình là Phật; nói là “gánh vác” vì dám trực tiếp chấp nhận chính mình là Phật, dám đảm đương sự nghiệp của chư Phật. Nói cách khác, đây là Tín Tự như trong A Di Đà Kinh Yếu Giải đã nói.
 
Trích từ: Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong Tải Về
6 Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
8 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
10 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
11 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
12 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
15 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Duy Thức Phương Tiện Đàm
Đường Đại Viên

Ấn Quang Đại Sư khai thị Cư Sĩ Trần Tích Châu
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Khai Thị Về Việc Tụng Kinh Và Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa