Phật Học Vấn Đáp


Niệm Văn-thù Bồ-tát tâm chú năm trăm nghìn biến thì có thể khai mở trí huệ, Có đúng như vậy không?
Con nghe nói niệm Văn thù Bồ tát tâm chú năm trăm nghìn biến thì có thể khai mở trí huệ, sự sự như ý, như Văn thù sư lợi Bồ tát không khác. Xin hỏi thường niệm A Di Đà Phật có thể cầu được trí huệ như vậy không?

8/13/2022 11:02:56 AM

Vấn đề này, bạn có thể niệm thử xem sao. Bài chú này rất đơn giản, bạn niệm năm trăm ngàn biến có lẽ cũng không cần thời gian rất dài. Bạn thử xem sao, sau khi niệm rồi thấy trí huệ có khai hay không? Có người sẽ khai trí huệ, nhưng có lẽ bạn sẽ không khai trí huệ, là nguyên nhân gì? “Thành tắc linh” (có lòng thành thì ắt sẽ có linh ứng), bạn không có chữ “thành” đó. Vì sao tôi nói bạn không có? Hiện nay bạn hỏi tôi thì bạn không thành, bạn có hoài nghi. Nếu bạn thành tâm thì bạn sẽ không hỏi tôi, cho nên tôi biết tâm của bạn không thành, cũng đoán được bạn sẽ không khai trí huệ. Bạn không tin tưởng thì bạn cứ thử xem sao, bạn niệm năm trăm ngàn biến, đảm bảo không khai trí huệ.

Phàm việc gì cũng có lý của nó, bạn phải rõ lý thì mới đúng. Phật nói với chúng ta, làm thế nào để khai trí huệ, Phật trong Kinh Hoa Nghiêm thường nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”, ai nấy đều có. Hiện nay trí huệ chạy đi đâu rồi? Trí huệ bị phiền não, chính là bị vọng tưởng phân biệt chấp trước làm chướng ngại rồi. Phật dạy chúng ta làm thế nào để khai trí huệ? Bạn buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước thì chướng ngại không còn nữa, đã khai trí huệ rồi. Nếu bạn có thể buông xuống chấp trước, chấp trước là cái đầu tiên, là nghiêm trọng nhất, bạn đã khai được một phần ba trí huệ rồi, trí huệ của bạn bằng với A la hán; lại buông xuống phân biệt, bạn liền giống như trí huệ của Văn thù Bồ tát; nếu bạn lại buông xuống khởi tâm động niệm thì bạn đắc được trí huệ như Phật, bình đẳng với hết thảy trí huệ của chư Phật. Cách này có đạo lý, trí huệ bình đẳng, năng lực cũng bình đẳng, ngày nay chúng ta nói là tài năng, vô lượng vô biên tài năng bình đẳng, phước báo cũng bình đẳng, tướng hảo là phước báo, phước báo cũng bình đẳng.

Hiện nay biến thành không bình đẳng, chính là chướng ngại của mỗi người có nặng nhẹ không như nhau, có dày mỏng không như nhau, khi chướng ngại mất hết thì hoàn toàn tương đồng. Cho nên giáo lý Đại Thừa thường nói là “Phật Phật đạo đồng”, hoàn toàn tương đồng, đó chính là do toàn bộ chướng ngại của các Ngài không còn nữa, đều là tánh đức từ trong tự tánh lưu lộ, đó là viên mãn, là hoàn toàn tương đồng.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
A Di Đà        Bồ Tát        Văn Thù        Trí Huệ       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật