Phật Học Vấn Đáp


Tu mà không hiểu nghĩa lý trong kinh phật nói là tu giả.
Kính bạch thầy, có thầy nói: Nếu Phật tử nào tu mà không hiểu nghĩa lý trong kinh Phật nói, thì Phật tử đó là tu giả (không thật tu). Bạch thầy, chúng con chỉ biết đi chùa, niệm Phật và hiểu rất ít ý nghĩa về kinh Phật. Không lẽ vì vậy mà chúng con tu giả hết hay sao? Và tu như thế theo thầy đó nói, chúng con có lỗi không? Kính mong thầy từ bi giải đáp cho chúng con hiểu. Có nhiều Phật tử rất băn khoăn về vấn đề nầy.

8/1/2022 7:49:59 AM

Lời nói đó thật ra thì không sai nhưng có lẽ vị thầy đó chưa giải thích rõ để cho Phật tử hiểu. Chính vì vậy nên Phật tử mới đâm ra nghi ngờ thắc mắc. Ở đây, tôi chỉ dựa vào câu hỏi của Phật tử đã nêu ra mà góp chút thành ý trong vấn đề nầy. Đã là Phật tử, thì ít nhiều gì chúng ta cũng cần phải tìm hiểu học hỏi qua những lời Phật dạy. Bởi những lời Phật dạy trong Kinh, nghĩa lý của nó thật thâm sâu vi diệu. Đối với trình độ căn cơ hạn hẹp nông cạn của chúng ta hiểu được phần nào thì tốt phần đó. Việc tìm hiểu học hỏi của người Phật tử không bao giờ ngừng. Bởi nguồn giáo lý của đạo Phật nó rộng sâu như bể cả. Thế nên, chúng ta cần phải gia công nghiên tầm học hỏi cho thấu đáo. Tu mà không hiểu lời Phật dạy thì đó là tu mù. Theo tôi, nên nói tu mù có lẽ đúng hơn là tu giả. Tại sao gọi là tu giả? Tu giả là ngụy trang hình thức bề ngoài để lừa bịp thiên hạ. Nhìn bề ngoài thì giống như người tu, nhưng kỳ thật trong tâm thì chẳng có tu hành gì cả. Đây là hạng người ngụy tạo danh nghĩa, thực chất thì không có tu hành đúng theo chân lý mà Phật đã dạy. Tu có ý đồ phô trương hình thức giả trá để tiện bề trục lợi. Vì thế nên mới có câu nói: "Chiếc áo không làm nên thầy tu" là thế.

Đối với hạng người nầy thì chúng ta có thể nói họ là người giả tu chớ không phải là chơn tu. Ngược lại, tuy có người chưa hiểu nghĩa lý thâm sâu trong Kinh Phật dạy, nhưng họ có tấm lòng chân thật tu hành muốn được giải thoát sanh tử khổ đau, thì sao gọi họ là người tu giả được? Chỉ có thể trách họ là người không chịu nghiên tầm học hỏi Phật pháp để biết rõ đường lối tu hành để khỏi phải rơi vào tà kiến ngoại đạo. Vì thế nên mới có câu nói: "Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách". Thế thì, là Phật tử chúng ta nên cố gắng học hỏi tìm hiểu nghĩa lý trong Kinh mà Phật Tổ đã chỉ dạy. Có hiểu đúng thì mới thật hành đúng. Như thế thì mới có lợi lạc cho mình trong hiện tại và tương lai. Đây là câu nói sách tấn, để cho Phật tử cố gắng tìm hiểu học hỏi Kinh điển mà thôi. Vì câu nói không được rõ ràng nên Phật tử mới hoài nghi thắc mắc. Thay vì nói tu mù thì lại nói tu giả.

Trong đạo Phật bao giờ cũng nêu cao tôn chỉ là "Tri hành hợp nhứt". Tri thuộc về phần hiểu biết nghiên về lý thuyết, tức phần nghiên cứu tìm hiểu về mặt kiến giải. Còn Hành là phần thực nghiệm hay thật hành qua những lý thuyết chỉ hướng chân lý. Lý thuyết dụ như con mắt sáng nhìn xa thấy rộng. Thật hành dụ như đôi chân vững mạnh bước đi vững chắc. Như vậy, cả hai đều phải được song hành hỗ tương với nhau mới có thể đạt được mục đích nhắm tới. Tuy nhiên, phần lý thuyết bao giờ cũng đi xa hơn phần thật hành. Đôi khi nói thì dễ mà thật hành thì rất khó. Như người đứng dưới chân núi, nhìn thấy trên đỉnh núi cao rõ ràng, nhưng muốn trèo lên tới đỉnh núi không phải là chuyện dễ. Tất nhiên, nó đòi hỏi người đó phải có đầy đủ ý chí nghị lực cương quyết mạnh mẽ vượt qua khó khăn mới có thể đạt được như ý muốn. Sự tu hành cũng thế. Hành giả muốn đạt được giác ngộ giải thoát thì cũng phải trải qua nhiều gian nan thử thách mới tựu thành. Nhưng phải đi đúng hướng thì mới đến đích được. Hướng đi là phần lý thuyết chỉ đạo. Nếu chỉ có lý thuyết không thôi thì đó cũng chỉ là lý thuyết suông. Nếu thật hành mà thiếu phần lý thuyết chỉ đạo thì hành giả sẽ khó đạt thành sở nguyện. Vì thế, người tu Phật cần phải có đầy đủ cả hai hỗ tương song hành với nhau. Đó là điều rất quan yếu trong việc tu hành của người Phật tử mong cầu thoát ly sanh tử khổ đau vậy.

Kính chúc Phật tử tinh tấn tu hành chóng đạt thành sở nguyện.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Niệm Phật        Thập Niệm        Phật Tử       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật