Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tho-Tri-Mot-Cau-Ke-Hon-Ca-Bo-Thi-That-Bao

Thọ Trì Một Câu Kệ Hơn Cả Bố Thí Thất Bảo
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Diệu Âm

Kết luận cuối cùng trong kinh Kim Cang vô cùng quan trọng.  Những đoạn trong kinh này càng về sau càng ‘hấp dẫn’, những ý nghĩa quan trọng đều ở nửa phần sau, đặc biệt kết luận này không những là kết luận của kinh Kim Cang, thiệt ra là tổng kết hết thảy 22 năm giảng kinh Bát Nhã của Thế Tôn.  Năm xưa đức Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm, hội kinh Bát Nhã đã chiếm hết 22 năm.  Nếu dùng [cách phân đoạn thông thường của kinh điển] ba phần: Tựa, Chánh tông, Lưu thông để xem xét một đời giáo hóa của đức Phật, thì Bát Nhã là phần Chánh tông của toàn bộ Phật pháp, là trung tâm của cả đời giáo hóa của đức Thế Tôn.  Kết luận này không những là tổng kết của Bát Nhã mà cũng có thể nói là tổng quy kết hết thảy 49 năm thuyết pháp của đức Phật, tức là hai câu và một kệ cuối cùng của kinh này.

Thái tử Lương Chiêu Minh chia kinh này ra thành 32 đoạn, đây cũng giống như làm việc phân khoa, phán giáo.  Có câu rằng ‘Người nhân thấy điều nhân, người trí thấy điều trí’ [21], từ xưa đến nay cái nhìn của các vị đại đức không giống nhau.  Cách phân thành 32 đoạn của thái tử Chiêu Minh là để đọc tụng, tiện lợi cho việc thảo luận; tạm thời không bàn thích hợp, thỏa đáng hay không, nhưng phải nói cách phân đoạn này rất tiện lợi nên sách phân đoạn theo cách này thường được phổ biến rất rộng rãi.  Ðoạn cuối cùng tổng kết toàn quyển kinh.  Ðoạn kinh này vừa mở đầu Thế Tôn gọi ông Tu Bồ Ðề.  Trong kinh mỗi khi đức Phật kêu tên một người nào đó, phía sau nhất định sẽ có lời dạy quan trọng, mục đích là nhắc đại chúng phải chú ý, đây là một kiến thức phổ thông.

Ðức Phật dạy: giả sử có người bố thí hết bảy thứ báu trong vô lượng a tăng kỳ thế giới.  Con số này không thể tính toán được, a tăng kỳ là một đơn vị trong thời cổ Ấn Ðộ, chúng ta ngày nay gọi nó là con số thiên văn (con số này quá lớn).  Dùng đơn vị này lại thêm chữ vô lượng nữa.  Không những là vô lượng mà còn là bảy báu trong vô lượng a tăng kỳ thế giới!  Chỉ nói đến bảy thứ báu trên quả địa cầu này thôi thì đã không thể tính nổi [huống gì là vô lượng a tăng kỳ thế giới!]

Chữ thế giới nói trong kinh là chỉ khu vực giáo hóa của một đức Phật, là một đại thiên thế giới.  Gần đây lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đưa ra một cách nhìn mới, cụ cho rằng những ngân hà như chúng ta biết hiện nay không phải là một đại thiên thế giới, mà chỉ là một đơn vị thế giới.  Nếu tính [ngân hà là một] đơn vị thế giới thì một đại thiên thế giới lớn vô cùng, không thể tưởng tượng nổi.  Thông thường trong một tiểu thiên thế giới có một ngàn đơn vị thế giới, nói một cách khác 1000 hệ ngân hà mới là một tiểu thiên thế giới.  Lại dùng một tiểu thiên thế giới làm đơn vị, 1000 tiểu thiên thế giới bằng 1 trung thiên thế giới, 1000 trung thiên thế giới bằng 1 đại thiên thế giới.  Nếu dùng cách tính này thì 1000x1000x1000 bằng 10 ức hệ ngân hà, đây mới là một đại thiên thế giới.

Phước đức của việc bố thí hết thảy ‘bảy báu trong vô lượng a tăng kỳ thế giới’ bao lớn?  Thiệt là không thể tính đếm nổi.  Có rất nhiều bạn đồng tu muốn bố thí tu phước, cho dù bố thí hết thảy báu vật trên trái đất này thì cũng quá ít [so với bảy báu trong vô lượng a tăng kỳ thế giới]!  Ðức Phật nói ‘Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân phát bồ đề tâm’; dựa trên ‘Tam phước’ nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thì tiêu chuẩn của ‘thiện’ là phải thực hiện được ‘Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát [hại sanh vật], tu thập thiện nghiệp’, đây là thiện nam tử, thiện nữ nhân ở cõi nhân, thiên.  Từ cơ sở này cộng thêm ‘Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi’ tức là thiện nam tử và thiện nữ nhân [theo tiêu chuẩn] của Tiểu thừa.  Thiện nam tử và thiện nữ nhân nói trong kinh Ðại thừa phải thêm bốn câu: ‘Phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại thừa, khuyến tấn hành giả’.  Kinh này là kinh Ðại thừa, phải làm đầy đủ 11 điều trong Tam Phước nói trên thì tức là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’ nói trong kinh Kim Cang.  [Tóm lại] chữ thiện nam tử và thiện nữ nhân trong kinh điển Tiểu thừa và Ðại thừa đều có tiêu chuẩn đàng hoàng chứ không phải nói bừa.

‘Người thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát Bồ Ðề tâm’ tức là phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ Ðề và cũng là phát tâm rộng lớn ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’.  Hiện nay chúng ta học Phật là rất tốt, rất hiếm có, nhưng phải nhận thức rõ trong thế gian và xuất thế gian cái gì mới là chơn, cái gì là giả.  Phải có đủ khả năng phân biệt tà chánh, thị phi, thiện ác, lợi hại thì mới gọi là người giác ngộ.  Chữ ‘ngu si’ thường được dùng trong kinh nghĩa là ‘điên đảo’, xem đồ giả thành đồ thiệt, xem điều ác thành điều thiện.  Không những không thể phân biệt những vấn đề lớn, thậm chí đến những quan hệ, lợi hại nhỏ nhoi cũng không thể phân biệt, trong kinh dùng danh từ ‘người đáng thương hại’ để mô tả những người này.  Chúng ta có thiệt tình phản tỉnh không, có phải là người đáng thương này không, có phát tâm Bồ Ðề chân thật không?

Tôi nhớ lúc học lớp 2, lớp 3 trong trường tiểu học, vì phá phách nên bị thầy phạt, bị thầy đánh, còn bị phạt quỳ nữa, đương nhiên cũng khóc sướt mướt.  Lúc về nhà ba má tra hỏi mới biết ở trường tôi bị thầy giáo xử phạt.  Hôm sau cha tôi đem lễ vật đến thăm thầy, cám ơn thầy đã dạy dỗ cho tôi.  Tôi nhìn thấy nên sau này khi bị thầy giáo phạt, khi về nhà không đời nào chịu nói ra.  Hiện nay sự giáo dục thay đổi rồi, nếu học trò bị thầy giáo trừng phạt, cha mẹ học sinh sẽ đi thưa cảnh sát, còn muốn thưa ra toà, thế nên ngày nay làm thầy giáo không ai dám răn dạy học sinh, không còn kiếm được những thầy giáo thật lòng dạy học sinh.  Ngày nay đạo lý thầy trò không còn nữa, đây là sự đau buồn đáng tiếc của tất cả chúng sanh trong thời đại này; trẻ em, thiếu niên không được sự dạy dỗ đàng hoàng thì không phải là một chuyện tốt.  Những lời dạy của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc thời xưa viết bằng lối văn ‘Văn Ngôn’, người đời nay xem không hiểu; những lời dạy và kinh điển của Phật, Bồ Tát cũng xem không hiểu, như vậy phải làm sao?  Chúng ta phải phản tỉnh kỹ càng, phải nên giác ngộ!

Phật dạy: ‘Người thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát tâm Bồ Ðề phải nên trì kinh này’, cho dù không thể thọ trì hết bộ kinh này, thì cũng nên ‘thọ trì chỉ bốn câu kệ’, quan trọng ở chữ ‘thọ trì’.  ‘Thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết cho người khác, phước báo đó vô cùng thù thắng’.  Câu kinh này vô cùng quan trọng và cũng khẳng định nếu có thể hiểu được và phụng hành, phước báo tu được sẽ lớn hơn người bố thí thất bảo khắp vô lượng a tăng kỳ thế giới.  Ðích thật là to lớn hơn, không giả dối tí nào.

‘Thọ’ tức là tiếp thọ; ‘trì’ nghĩa là giữ gìn, đừng đánh mất.  Ý nghĩa của chữ ‘Thọ’ bao gồm hiểu rõ, hiểu đúng đắn ý nghĩa của kinh điển, đồng thời có thể ứng dụng nghĩa kinh vào đời sống sanh hoạt thường ngày, nghĩa là sanh hoạt trong ‘Trí Huệ Kim Cang Bát Nhã’, phước báo này to lớn dường nào!  Cho dù phước báo của người trong thế gian có lớn đến mấy, họ cũng chỉ sinh sống trong phiền não, không thể nào sánh bằng.  Người có phiền não thì tương lai vô cùng đen tối, đầy đủ Trí Huệ Kim Cang Bát Nhã thì tương lai xáng lạn.  ‘Thọ trì’ tức là y giáo phụng hành, làm được hoàn toàn trong đời sống sanh hoạt thường ngày.  Thí dụ đức Phật Thích Ca biểu diễn ăn cơm, mặc áo đều là Kim Cang Bát Nhã.  Lúc xử thế, đối người, tiếp vật, từng ly từng tí đều áp dụng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.  Ðược vậy mới gọi là ‘thọ trì Kim Cang Bát Nhã’, sanh sống một đời sống ‘Kim Cang Bát Nhã’. 

‘Diễn thuyết cho người khác’: diễn và thuyết là hai việc khác nhau, dụng ý đều là để giáo hóa chúng sanh.  Diễn là biểu diễn, làm gương tốt cho người ta xem, làm cho người ta ngưỡng mộ, ưa thích và nhờ vậy phát tâm học Phật pháp.  Thuyết là thuyết minh, giải thích cho người khác.  Người ta nhìn thấy đời sống của bạn hạnh phúc vui vẻ như vậy, nhất định sẽ lại hỏi thăm, nhân dịp này bạn giới thiệu Phật pháp cho họ, làm cho họ cũng có thể phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.  Phật pháp là ‘sư đạo’, chỉ nghe nói việc đi học chứ chưa nghe nói việc [thầy] đi dạy.  Học là học sinh đi cầu học; nếu bạn không cầu mà ông thầy đến dạy bạn, như vậy là sai lầm (không hợp lý).  Chúng ta phải làm gương tốt cho người ta xem, đây tức là ‘duyên’, tức là giới thiệu, phát triển rộng ra.

_______________________
[21] ‘Nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí’, ý nói: Từ nội tâm ảnh hưởng đến kiến giải, quan điểm, cách xử sự
 
Trích từ: Niệm Phật Tâm Ðịa Công Phu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về