Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Het-thay-phap-mon-lay-minh-tam-lam-cot-yeu

Hết thảy pháp môn lấy minh tâm làm cốt yếu
Đại Sư Triệt Ngộ

* Hết thảy pháp môn lấy minh tâm làm cốt yếu, hết thảy hạnh môn lấy tịnh tâm làm điều quan yếu, mà pháp thiết yếu để minh tâm lại không chi bằng Niệm Phật. Nhớ Phật, niệm Phật thì ngay hiện tại hoặc trong tương lai sẽ nhất định thấy Phật, chẳng cần nhờ đến phương tiện mà tự được tâm khai. Như vậy, Niệm Phật chẳng phải là điều cốt yếu để minh tâm hay sao?

Hơn nữa, pháp thiết yếu để tịnh tâm cũng không chi bằng Niệm Phật. Một niệm tương ứng với một niệm Phật. Niệm niệm tương ứng với niệm niệm Phật. Thanh châu bỏ vào nước đục, nước đục chẳng thể không trong; Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành tâm Phật. Như vậy, Niệm Phật chẳng phải là điều thiết yếu để tịnh tâm sao? Một câu Phật hiệu gồm đủ cả hai thứ quan yếu: Ngộ và Tu. Ngộ thì tin vào đấy, Tu là chứng trong đấy. Tín giải tu chứng gồm trọn các thừa Ðại, Tiểu; cốt tủy các kinh không chi chẳng được thâu trọn [trong pháp Niệm Phật này]. Như vậy, một câu Di Ðà chẳng phải là đạo trọng yếu nhất hay sao?

* Cái tâm một niệm hiện tiền của bọn ta toàn chơn thành vọng, toàn vọng tức là chơn; trọn ngày chẳng đổi, trọn ngày tùy duyên. Hễ chẳng duyên theo Phật giới để niệm Phật giới thì sẽ niệm cửu giới. Chẳng niệm tam thừa thì niệm lục phàm. Chẳng niệm nhân thiên thì niệm tam đồ. Chẳng niệm quỷ, súc sanh thì niệm địa ngục. Hễ đã có tâm thì chẳng thể vô niệm. Lấy vô niệm làm bản thể cho cái tâm thì chỉ có mình đức Phật làm được. Từ bậc Ðẳng Giác trở xuống, hết thảy đều là hữu niệm; hễ khởi lên một niệm thì ắt lạc vào mười giới. Lại chẳng có niệm nào ra khỏi mười giới vì chẳng có chi ra ngoài mười pháp giới vậy. Mỗi một niệm khởi lên là cái duyên của một lần thọ sanh. Ðã biết rõ lý này mà chẳng niệm Phật thì thật là chưa từng có vậy.

* Cái quý trọng nhất trong đời không gì hơn tinh thần. Cái đáng mến tiếc nhất trong đời không chi hơn ngày tháng. Một niệm tịnh thì Phật giới duyên khởi, một niệm nhơ chính là cái nhân sanh ra cửu giới. Cứ móng khởi một niệm thì thành ra chủng tử của thập giới, há chẳng nên trân trọng hay sao? Ngày hôm nay đã qua, mạng cũng theo đó mà giảm. Một tấc thời quang chính là một tấc mạng quang, chẳng đáng mến tiếc sao? Ðã biết tinh thần đáng trân trọng, chẳng nên lãng phí cho nên niệm niệm chấp trì danh hiệu Phật; chẳng để quang âm trôi qua phí uổng nên khắc khắc huân tu tịnh nghiệp. Nếu như bỏ qua danh hiệu Phật, tu các thánh hạnh tam thừa khác thì cũng còn là lãng phí tinh thần giống như là đem cái nỏ ngàn cân để bắn chuột cống; huống hồ là còn gây tạo cái nghiệp sanh tử lục phàm nữa ư?

Nếu như bỏ qua Tịnh nghiệp để riêng nhận lấy Quyền Thừa Tiểu Quả thì cũng còn là luống uổng quang âm, cũng giống như là đem như ý bảo châu đổi lấy một bữa cơm, manh áo, huống hồ là chấp lấy quả thiên nhân hữu lậu! Trân trọng thế ấy, nuối tiếc thế ấy thì tâm chuyên nơi Phật sẽ dễ cảm, hạnh siêng mà nghiệp dễ tinh, chắc chắn sẽ được sanh Tịnh Ðộ, tận mặt gặp gỡ Phật Di Ðà. Khi ấy, vâng lời Phật khai thị, đích thân hầu cận đấng Từ Tôn, diệu ngộ tự tâm, thâm chứng pháp giới, kéo dài một niệm thành cả kiếp, rút ngắn cả kiếp dài dặc thành một niệm. Niệm lẫn kiếp viên dung, được đại tự tại, chẳng đáng tiếc nuối, trân trọng hay sao!

* Một người nghèo túng xa trông thấy một xâu tiền, toan đến lượm lấy, thì hóa ra là con rắn liền đứng phắt qua một bên. Lại có một người khác đi đến cầm lấy xâu tiền đem đi. Ðấy là tiền chẳng phải là rắn mà thấy là rắn là do nghiệp cảm vời, do duy tâm sở hiện vậy. Tiền thấy là rắn là do nghiệp cảm trong tâm hóa hiện, mà thấy rắn là tiền há cũng chẳng phải là do nghiệp cảm trong tâm biến hiện đó ư? Thấy tiền là rắn chỉ là vọng kiến do biệt nghiệp của một người tạo ra. Thấy rắn là tiền chính là bởi vọng kiến của nhiều người đồng phận. Ðối với vọng kiến của một người thì dễ biết được cái vọng ấy; còn với vọng kiến của nhiều người thì khó lòng hay biết nổi! Ðem cái dễ biết để sánh với cái khó biết thì cái khó biết đó cũng là dễ biết. Rắn đã là rắn, mà tiền cũng là rắn. Suy theo đây thì thấy: Căn thân bên trong, cảnh giới bên ngoài, từ một phương đến mười phương và bốn đại bộ châu, tam thiên đại thiên thế giới đều cũng như rắn nơi đống tiền. Chỉ có điều con rắn duy tâm sở hiện ấy lại cắn được người, tiền duy tâm sở hiện ấy lại cũng có thể hưởng dụng được. Chớ bảo duy tâm là không có ngoại cảnh; sự uế khổ của Sa Bà cũng như sự vui trong sạch nơi cõi An Dưỡng đều chỉ do tâm biến hiện, nhưng gặp phải sự uế khổ chỉ do tâm đã biến hiện ra ấy thì bị bức bách lớn và đối với cảnh an vui trong sạch cũng do tâm biến hiện ấy, ta lại có thể hưởng dụng lớn lao. Uế khổ lẫn tịnh lạc đều chỉ là do tâm biến hiện thì sao chẳng bỏ cái uế khổ duy tâm, chọn lấy cái tịnh lạc duy tâm mà lại đành cam chịu tám khổ nung nấu trong suốt bao kiếp dài lâu vậy.  

* Ðiều trọng yếu trong cuộc sanh tử của chúng ta chỉ là hai thứ lực. Một là tâm vấn vít nhiều mối, nặng nề vướng lấy, đó là tâm lực. Hai là như người mắc nợ, chủ nợ nào mạnh hơn sẽ lôi đi trước; đấy là nghiệp lực.

Nghiệp lực rất lớn, tâm lực còn lớn hơn: Do nghiệp không có tự tánh, hoàn toàn nương vào tâm; vì tâm có thể tạo nghiệp, tâm có thể chuyển được nghiệp nên chỉ có tâm lực là nặng. Do nghiệp lực nên có thể lôi đi luân hồi; nhưng nếu dùng tâm trân trọng để tu Tịnh nghiệp thì Tịnh nghiệp mạnh. Tâm trọng, nghiệp cường thì chỉ còn hướng thẳng đến Tây phương, nên mai sau khi báo hết mạng tận sẽ nhất định sanh về Tây phương, chẳng sanh vào chốn khác! Giống như cây to, tường lớn, lúc bình thường đã nghiêng về Tây thì đến ngày nào đó ngã xuống, chúng sẽ quyết định chẳng đổ sang chỗ khác.

* Cái tâm năng niệm nơi một niệm hiện tiền của bọn ta toàn chơn thành vọng, toàn vọng tức là chơn, trọn ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến. Một câu Phật hiệu ta niệm đó toàn là từ đức mà lập danh: Ngoài đức chẳng có danh, dùng danh để chiêu đức; ngoài danh không đức, ngoài tâm năng niệm chẳng hề có riêng vị Phật được niệm, cũng không có riêng cái tâm năng niệm. Năng, sở chẳng hai, chúng sanh và Phật y hệt như nhau, vốn lìa tứ cú, vốn tuyệt bách phi, vốn trọn hết thảy, vốn chứa hết thảy, dứt tuyệt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Hành giả Liên tông nên từ nơi đây mà tin nhập.

* Hết thảy chúng sanh bổn lai là Phật. Chơn tâm vốn có, vọng tánh vốn không. Tánh vốn sẵn đủ hết thảy pháp lành. Chỉ vì chạy theo cái duyên mê nhiễm đã lâu, chưa đoạn được cái vọng vốn không, chưa chứng được cái chơn vốn sẵn có, trọn chưa hề tu gốc lành nên Phật [trong tâm mình] là vị Phật chưa thành. Nay muốn đoạn cái vọng vốn không, chứng cái chơn vốn có, tu cái lành vốn sẵn trọn đủ, thành được quả Phật mình sẵn có, ngộ được tịnh duyên, xét tìm con đường thật thẳng tắt, thật nhanh, chí đốn, chí viên thì không chi bằng một hạnh Trì Danh Niệm Phật. Do cái tâm năng niệm vốn là toàn chơn thành vọng, toàn vọng tức chơn nên đức Phật được niệm cũng vốn là toàn đức lập danh, toàn danh tức đức. Ngoài tâm năng niệm không có riêng một vị Phật được niệm; ngoài đức Phật được niệm, không có riêng cái tâm năng niệm. Năng, sở đều mất; tâm, Phật nhất như. Trong niệm niệm, điều phục trọn vẹn, đoạn trừ trọn vẹn ngũ trụ phiền não, chuyển biến trọn vẹn, diệt trừ trọn vẹn ba tạp nhiễm chướng, phá trọn vẹn ngũ ấm, siêu xuất trọn vẹn ngũ trược, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi [Tịnh Ðộ], niệm trọn vẹn tam thân, tu trọn vẹn vạn đức, chứng trọn vẹn bổn chơn, viên thành Vô Thượng Diệu Giác. Một niệm đã như vậy thì niệm niệm cũng như thế. Chỉ cần niệm niệm được liên tục như thế thì sẽ chế phục, đoạn trừ, tu chứng chẳng thể nghĩ bàn được. Lấy cái tâm toàn là Phật này để niệm vị Phật của toàn tâm thì sẽ thật sự được toàn phần oai đức thần lực của quả Phật nơi tự tâm ngầm gia bị cho. Một câu Phật hiệu chẳng tạp lẫn duyên khác thì mười niệm thành tựu, nhanh chóng vượt qua nhiều kiếp. Chẳng tin điều này thì khác gì gỗ đá! Bỏ pháp này đi tu pháp khác thì nếu không phải là cuồng cũng là si. Biết còn nói gì được, biết còn nói gì đây!

* Trong lúc lúc niệm Phật, chẳng nên có ý tưởng chi khác. Chẳng có tưởng gì khác thì chính là Chỉ. Trong lúc niệm Phật cần phải rành rẽ phân minh; rành rẽ phân minh chính là Quán. Trong một niệm đủ cả Chỉ, Quán; chẳng phải là có Chỉ và Quán riêng biệt! Chỉ chính là nhân của Ðịnh, Ðịnh là quả của Chỉ. Quán là nhân của Huệ, Huệ là quả của Quán. Một niệm chẳng sanh rành rẽ phân minh là Tịch mà Chiếu. Rành rẽ phân minh, một niệm chẳng sanh chính là Chiếu mà Tịch. Có thể làm được như vậy thì chắc chắn không nghiệp nào chẳng thành. Thành được như vậy thì là Thượng Phẩm. Một người cho đến trăm ngàn vạn ức người tu như thế đều sẽ thành tựu như thế. Lẽ đâu người niệm Phật lại chẳng lưu tâm hay sao?

Trích từ: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
4 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
6 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
7 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
8 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
9 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
10 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
11 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
12 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
13 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
14 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
15 Tịnh Từ Yếu Nghĩa, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Bốn Loại Tịnh Độ Tùy Bạn Thích
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Đới Nghiệp Tiêu Nghiệp Sinh Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm