Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Can-chi-phai-cau-sanh-ve-Tay-Phuong-Tinh-Do...?

Cần chi phải cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ...?
Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hỏi:- Di Lặc Bồ Tát là bậc nhứt sanh bổ xứ, hiện ở cung trời Đâu Suất; Ngài sẽ kế vị đức Thích Ca mà thành Phật trong tương lai. Thiết tưởng chúng ta nên tu thượng phẩm thập thiện cầu sanh về nơi đó để được diện kiến Ngài. Đợi đến khi Bồ Tát giáng thế thành Phật, ta cũng theo Ngài mà hạ sanh, trong ba hội Long Hoa tất sẽ được chứng thánh quả. Thế thì cần chi phải cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ?

Đáp:- Cầu về Đâu Suất cũng có thể gọi là nghe đạo, thấy Phật, gần giống như cầu về Tây Phương. Nhưng nếu xét kỹ lại trong ấy có sự hơn kém rất xa. Xin kể ra hai việc để luận:

1. Dù chúng ta có tu thập thiện, chưa chắc đã được sanh về Đâu Suất. Vì Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: 'Hành giả phải tu các môn Tam Muội đi sâu vào chánh định, mới được sanh lên Nội Viện thiên cung'. Xét qua phương diện ấy, ta thấy Di Lặc Bồ Tát không có phương tiện tiếp dẫn, đâu bằng sức bản nguyện cùng sức quang minh của Đức A Di Đà có năng lực nhiếp thủ và tế độ những chúng sanh niệm Phật. Lại khi Đức Thích Ca nói về nghĩa phương tiện tiếp dẫn trong cửu phẩm giáo môn, Ngài đã ân cần khuyên chúng sanh nên về Cực Lạc. Phương tiện nầy rất giản dị, hành giả chỉ cần niệm Phật A Di Đà, cơ cảm hợp nhau, liền được vãng sanh. Như ở thế gian chiêu mộ người, nếu kẻ nào muốn gia nhập thì cơ hội hợp nhau, liền thành sự việc.

2. Đâu Suất thiên cung dù sao cũng ở trong Dục giới, nên kẻ thối vị rất nhiều. Nơi ấy chim, nước, rừng cây gió, âm nhạc không phát ra tiếng pháp, có thể khiến chúng sanh phục diệt phiền não nhớ nghĩ Tam Bảo, phát lòng Bồ Đề. Trái lại còn có nữ nhơn gây tăng thượng duyên cho tâm trước nhiễm ngũ dục của hành giả. Mà vẻ xinh đẹp của các thiên nữ ấy lại vi diệu tuyệt vời, làm cho chư thiên đắm mê, ít có vị nào tránh khỏi. Sao bằng cõi Cực Lạc cây chim tuyên Diệu Pháp, gió nhạc diễn Bồ Đề, chúng sanh nghe rồi phiền não tiêu tan, đạo tâm tăng tiến? Cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà, không có người nữ và kẻ phát tâm nhị thừa, chỉ thuần là những pháp lữ Đại Thừa thanh tịnh, phiền não ác nghiệp không thể phát khởi; như thế làm sao hành giả không mau chứng quả vị Vô Sanh? Chỉ so sánh qua vài điều mà sự hơn kém đã hiển nhiên, còn chi phải nghi ngờ do dự?

Đến như sự gặp Phật Di Lặc được chứng thánh quả, cũng đã vị tất! Như khi Đức Thích Ca còn tại thế có biết bao nhiêu chúng sanh thấy Phật, mà vẫn không được chứng thánh quả? Lúc Đức Di Lặc ra đời cũng vậy, có vô số chúng sanh thấy Phật nghe pháp, song không được chứng thánh quả. Riêng về Tịnh Độ của Phật A Di Đà, chỉ được sanh về, quyết sẽ chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, không một kẻ nào thối đọa trở lại tam giới, bị nghiệp sanh tử buộc ràng.

Lại nghe Tây Vức Truyện nói: -Có ba vị Bồ Tát là Vô Trước, Thế Thân, Sư Tử Giác thâm tu thiền định quyết chí đồng sanh về Đâu Suất. Ba vị đó cùng ước hẹn, nếu ai sanh lên Nội Viện được thấy Đức Di Lặc trước, phải trở về báo tin cho huynh đệ biết. Ngài Sư Tử Giác quy tịch trước, trải qua thời gian khá lâu, không trở lại báo tin. Kế đó ngài Thế Thân vô thường; khi lâm chung, Vô Trước Bồ Tát dặn rằng: 'Sau khi em bái kiến Đức Di Lặc, phải trở xuống cho anh biết ngay.' Thế Thân Bồ Tát tịch rồi ba năm sau mới trở lại báo tin. Ngài Vô Trước hỏi: 'Tại sao em thông báo trể như thế?' Thế Thân đáp: 'Sau khi lễ kiến Đức Di Lặc, vừa nghe Ngài thuyết pháp chỉ dạy xong, em cung kính đi vi nhiễu ba vòng rồi trở xuống đây báo tin liền. Vì một ngày đêm ở Đâu Suất bằng 400 năm nơi hạ giới, nên mới trể đến ba năm.' Vô Trước lại hỏi: 'Còn Sư Tử Giác hiện ở đâu?' Thế Thân đáp: 'Sư Tử Giác bị lạc vào Đâu Suất ngoại viện, đang say đắm cảnh ngũ dục, từ khi sanh lên đến nay, chưa được thấy Đức Di Lặc.'

Xem thế thì biết các bậc tiểu Bồ Tát sanh về Đâu Suất còn bị mê lạc, huống nữa là phàm phu. Cho nên người tu muốn chắc chắn được bất thối chuyển, nên cầu về Cực Lạc, chớ nguyện sanh lên Đâu Suất.

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


 (Luận) Đệ thất nghi, vấn: - Di Lặc Bồ Tát, nhất sanh bổ xứ, tức đắc thành Phật. Thượng phẩm Thập Thiện, đắc sanh bỉ xứ, kiến Di Lặc Bồ Tát, tùy tùng hạ sanh tam hội chi trung, tự nhiên nhi đắc thánh quả, hà tu cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ da?
          ()第七疑。問:彌勒菩薩一生補處即得成佛,上品十善得生彼處見彌勒菩薩。隨從下生三會之中,自然而得聖果。何須求生西方淨土耶?
          (Luận: Mối nghi thứ bảy, hỏi: - Di Lặc Bồ Tát nhất sanh bổ xứ liền được thành Phật. Bậc thượng phẩm Thập Thiện được sanh về chỗ ấy (Nội Viện cung trời Đâu Suất), gặp Di Lặc Bồ Tát, theo Ngài hạ sanh, trong ba hội tự nhiên đắc thánh quả, cần gì phải cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ?)
 
          Trong phần trước đã nói phàm phu cậy vào Phật lực có thể cao thăng Tịnh Độ, lại còn đắc Bất Thoái; vì thế, mong cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ở đây lại có nghi vấn: Vì sao nhất định phải chọn lấy Tây Phương? Di Lặc Bồ Tát là bậc Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát, sắp thành Phật; người Thượng Phẩm Thập Thiện có thể sanh vào Nội Viện của trời Đâu Suất gặp Di Lặc Bồ Tát, theo Di Lặc Bồ Tát hạ sanh nhân gian. Trong ba hội Long Hoa, tự nhiên chứng đắc thánh quả. Do sanh vào Đâu Suất Nội Viện và đắc thánh quả đều là chuyện phàm phu có thể thực hiện thành công, lẽ nào ắt cần phải cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ nữa?
          Trả lời: Sanh lên Đâu Suất hay là sanh về Cực Lạc tùy thuộc căn khí của cá nhân như thế nào. Trong lịch sử, vào thời cổ có những vị như Huyền Trang, Đạo Tuyên v.v… cận đại thì có Thái Hư, Hư Vân v.v… các Ngài đều lên đến Đâu Suất Nội Viện. Nhưng nói theo phía bọn phàm phu chúng ta, phải suy lường điểm then chốt, đối với hai phương diện trọng yếu là vãng sanh và chứng quả Bất Thoái, hãy lựa chọn con đường nào có xác suất thành công cao hơn? Đấy là nói theo phương diện tương ứng căn cơ. Sau khi đã cân nhắc như trong phần sau, chúng ta sẽ nhận định chính mình phải nên sanh về Tây Phương Tịnh Độ.
 
          (Luận) Đáp: - Cầu sanh Đâu Suất, diệc viết văn đạo, kiến Phật, thế dục tương tự, nhược tế tỷ giảo, đại hữu ưu liệt, thả luận nhị chủng.
          ()答:求生兜率,亦曰聞道見佛,勢欲相似。若細比校大有優劣,且論二種。
          (Luận: Đáp: - Cầu sanh Đâu Suất thì cũng là nói đến chuyện “nghe đạo, thấy Phật”, tình thế gần như tương tự [như tu Di Đà Tịnh Độ], nhưng nếu so sánh cặn kẽ, sẽ có sự hơn kém to lớn. Hãy luận theo hai điều sau đây).
 
          Trả lời: Cầu sanh Đâu Suất cũng là nói đến chuyện nghe pháp và thấy đức Bổ Xứ Phật, thoạt nhìn thì tương tự như vãng sanh Tây Phương. Nhưng so sánh cặn kẽ, hai đằng sẽ có ưu khuyết khá lớn. Vẫn là nói theo căn tánh của chúng ta thì có hai điều sai biệt to lớn:
          1) Vãng sanh Tây Phương có xác suất thành công cao, do có phương tiện đặc biệt của Phật nhiếp thọ.
          2) Vãng sanh Tây Phương thì toàn bộ đều đắc Bất Thoái Chuyển, được thành thánh quả. Do lẽ này mà cầu sanh Tây Phương.
 
7.1. Vãng sanh Tây Phương có xác suất thành công cao, do có phương tiện đặc biệt của Phật nhiếp thọ
 
          (Luận) Nhất giả, túng trì Thập Thiện, khủng bất đắc sanh. Hà dĩ đắc tri? Di Lặc Thượng Sanh Kinh vân: “Hành chúng tam-muội, thâm nhập Chánh Định, phương thỉ đắc sanh”, cánh vô phương tiện tiếp dẫn chi nghĩa. Bất như A Di Đà Phật bổn nguyện lực, quang minh lực, đản hữu niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả.
          ()一者縱持十善恐不得生,何以得知?彌勒上生經云:「行眾三昧,深入正定,方始得生。」更無方便接引之義。不如阿彌陀佛本願力、光明力,但有念佛眾生,攝取不捨。
          (Luận: Một là dẫu trì Thập Thiện, sợ chẳng được sanh [lên trời Đâu Suất]. Vì sao mà biết? Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Hành các tam-muội, thâm nhập Chánh Định thì mới được sanh”, tức là không có ý nghĩa “phương tiện tiếp dẫn”. Chẳng như sức bổn nguyện và sức quang minh của A Di Đà Phật [gia trì], chỉ cần có chúng sanh niệm Phật, Ngài sẽ nhiếp giữ, chẳng buông bỏ).
 
          Vì sao nói “vãng sanh Tây Phương dễ dàng hơn, xác suất thành công càng cao hơn”? Có thể thông qua sự cân nhắc trên thực tế và thí dụ để chứng thực điều này. Trước hết, hãy xem tình hình vãng sanh Đâu Suất. Dẫu hành trì Thập Thiện, chỉ sợ chẳng nhất định có thể sanh về đó. Do đâu mà thấy được [điều này]? Di Lặc Thượng Sanh Kinh[2] nói: “Tu hành các thứ tam-muội, thâm nhập Chánh Định thì mới có thể sanh về”, có nghĩa là: Trừ những điều kiện trên đây ra, chẳng còn có phương tiện tiếp dẫn nào khác! Chẳng như pháp môn Di Đà, do sức bổn nguyện và sức quang minh của A Di Đà Phật, chỉ cần có người niệm Phật, Phật liền nhiếp thủ chẳng bỏ, có phương tiện thù thắng tột bậc!
          Cũng có nghĩa là điều kiện để vãng sanh Tây Phương chẳng cao! Chỉ cần niệm A Di Đà Phật, dẫu chẳng đắc các thứ tam-muội, vẫn không sao cả! Đã được quang minh của Phật nhiếp thọ, đấy là do sức bổn nguyện của Phật quyết định. Ngài đã thành tựu vô lượng quang, chiếu trọn khắp vô-ương-số thế giới để nhiếp thủ chẳng bỏ chúng sanh niệm Phật. Do sức công đức của đại nguyện và đại hạnh từ vô lượng kiếp đến nay, Ngài thành tựu quang minh, quang minh là phổ biến, sẽ có thể chiếu thấu chúng ta. Đã vậy, yêu cầu của Phật là chỉ cần chúng sanh tin tưởng, niệm Ngài, bèn được Ngài nhiếp thọ. Xét theo hàm nghĩa của sự nhiếp thọ, chúng sanh hết sức dễ dàng được A Di Đà Phật nhiếp thọ.
 
          (Luận) Hựu Thích Ca Phật thuyết cửu phẩm giáo môn phương tiện tiếp dẫn, ân cần phát khiển sanh bỉ Tịnh Độ. Đản chúng sanh năng niệm Di Đà Phật giả, cơ cảm tương ứng, tất đắc sanh dã. Như thế gian mộ nhân năng thọ mộ giả, cơ hội tương đầu, tất thành kỳ sự.
          ()又釋迦佛說九品教門方便接引,殷勤發遣生彼淨土。但眾生能念彌陀佛者,機感相應必得生也。如世間慕人能受慕者,機會相投必成其事。         
          (LuậnHơn nữa, Phật Thích Ca nói giáo môn cửu phẩm, [lập ra] phương tiện tiếp dẫn, ân cần khơi gợi, đưa [chúng sanh] sanh về cõi Tịnh Độ ấy. Chỉ cần chúng sanh có thể niệm A Di Đà Phật, cơ cảm tương ứng, ắt được vãng sanh. Như trong thế gian tuyển mộ người, người được tuyển mộ mà phù hợp cơ hội, ắt sẽ thành công trong chuyện ấy).
 
          Lại xét theo góc độ vãng sanh, trong Quán Kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói giáo môn chín phẩm, có các thứ hạnh môn từ hạ hạ cho đến thượng thượng. Từ đó có thể thấy, nhân sĩ thuộc các tầng lớp cao hay thấp đều có thể được nhiếp thọ bởi biển nguyện của A Di Đà Phật, cho đến kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác, chỉ cần hồi tâm niệm Phật, đều được Phật nhiếp thọ, có thể thấy được ý nghĩa thuận lợi tột bậc [của pháp môn này]. Vì thế, Phật Thích Ca ân cần tiễn đưa chúng sanh sang thế giới Cực Lạc, vì vãng sanh dễ dàng, xác suất thành công cao, cũng tức là chúng sanh chỉ cần có đủ tín nguyện, niệm A Di Đà Phật thì sẽ cơ cảm tương ứng, chắc chắn có thể vãng sanh. Nói theo phương diện dễ dàng thì sẽ giống như việc chiêu mộ người trong thế gian, ai bằng lòng chấp nhận chiêu mộ, sẽ có thể đạt được các lợi ích ấy. Nếu có tín tâm, bằng lòng tiếp nhận sự tuyển mộ, thì cơ hội giữa đôi bên (tức người tuyển mộ và kẻ chấp nhận được tuyển mộ) sẽ ứng hợp, sẽ nhất định có thể thành tựu việc này!
          Ví như nhà từ thiện tổ chức đại hội Vô Già Bố Thí, chỉ cần kẻ nào bằng lòng đến nhận, nhất định sẽ ban cho người ấy các thứ cần dùng. Cũng giống như vậy, chỉ cần có tín tâm đối với A Di Đà Phật, bằng lòng đến thế giới Cực Lạc, nhất định sẽ thành tựu chuyện ấy, đạt được điều mong muốn. Điều kiện đã được hạ xuống đến mức độ thấp nhất. Có thể khẳng định điều này! Nói theo phía các hạng phàm phu đầy dẫy triền phược, vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ dễ dàng nhất, xác suất thành công cao nhất. Do đó, chúng ta chọn lựa cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.
 
7.2. Vãng sanh Tây Phương thì toàn bộ đều đắc Bất Thoái Chuyển, được thành thánh quả. Do lẽ này mà cầu sanh Tây Phương
 
          Điều này phải dựa trên sự sai biệt sau khi vãng sanh hai cõi để phán đoán. Từ đó, sẽ quyết định con đường của chính mình.
 
          (Luận) Nhị giả, Đâu Suất thiên cung thị Dục Giới, thoái vị giả đa. Vô hữu thủy, điểu, thụ lâm, phong thanh, nhạc hưởng, chúng sanh văn giả, tất niệm Phật phát Bồ Đề tâm, phục diệt phiền não. Hựu hữu nữ nhân, giai trưởng chư thiên ái trước ngũ dục chi tâm. Hựu thiên nữ vi diệu, chư thiên đam ngoạn, bất năng tự miễn. Bất như Di Đà Tịnh Độ, thủy, điểu, thụ lâm, phong thanh, nhạc hưởng, chúng sanh văn giả, giai sanh niệm Phật, phát Bồ Đề tâm, phục diệt phiền não. Hựu vô nữ nhân, Nhị Thừa chi tâm, thuần nhất Đại Thừa thanh tịnh lương bạn. Vị thử, phiền não ác nghiệp tất cánh bất khởi, toại chí Vô Sanh chi vị. Như thử tỷ giảo, ưu liệt hiển nhiên, hà tu trí nghi dã.
          ()二者兜率天宮是欲界,退位者多。無有水鳥樹林風聲樂響,眾生聞者,悉念佛發菩提心伏滅煩惱,又有女人皆長諸天愛著五欲之心。又天女微妙諸天耽玩不能自勉,不如彌陀淨土水鳥樹林風聲樂響,眾生聞者,皆生念佛發菩提心伏滅煩惱。又無女人二乘之心,純一大乘清淨良伴。為此煩惱惡業畢竟不起,遂至無生之位。如此比校,優劣顯然,何須致疑也。
          (Luận: Hai là cung trời Đâu Suất là Dục Giới, kẻ thoái thất địa vị đông đảo. Chẳng có nước, chim, rừng cây, tiếng gió, tiếng nhạc khiến cho chúng sanh nghe thấy đều niệm Phật, phát Bồ Đề tâm, chế phục, diệt trừ phiền não. [Đâu Suất] lại có nữ nhân, đều khiến cho cái tâm yêu đắm ngũ dục của chư thiên tăng trưởng. Hơn nữa, thiên nữ vi diệu, chư thiên đắm đuối, chẳng thể tự gắng sức được. Chẳng như Tịnh Độ của Phật Di Đà, nước, chim, rừng cây, tiếng gió, tiếng nhạc khiến cho chúng sanh nghe thấy, đều sanh lòng niệm Phật, phát Bồ Đề tâm, chế phục, diệt trừ phiền não. Lại chẳng có nữ nhân và cái tâm Nhị Thừa, thuần là bạn bè tốt lành Đại Thừa thanh tịnh. Vì lẽ này, phiền não ác nghiệp rốt cuộc chẳng khởi, bèn đạt tới địa vị Vô Sanh. So sánh như thế, [sẽ thấy] sự hơn kém [giữa Cực Lạc và Đâu Suất] rành rành, chẳng cần phải nghi ngờ nữa!)
 
          Trước hết, hãy nhìn theo tỷ lệ đắc Bất Thoái. Cung trời Đâu Suất là Dục Giới, kẻ lui sụt địa vị rất nhiều. Nơi đó chẳng có nước, chim, rừng cây, tiếng gió, tiếng nhạc lan truyền pháp âm vi diệu, chúng sanh hễ nghe thấy [những âm thanh ấy] đều có thể niệm Phật, phát Bồ Đề tâm, chế phục, diệt trừ phiền não, chẳng được hưởng loại gia bị này! [Đâu Suất] lại có nữ nhân khiến cho cái tâm yêu chấp ngũ dục của chư thiên tăng trưởng. Hơn nữa, hình tướng đẹp đẽ, âm thanh v.v… của thiên nữ đều rất vi diệu, chư thiên đắm đuối yêu mến, chẳng thể tự khích lệ chính mình tu hành. Những chuyện này đều đã nói rõ: Sanh về trời Đâu Suất sẽ dễ bị mê trong ngũ dục, thoái chuyển Bồ Đề.
          Lại xem [tình hình] vãng sanh Tây Phương. Trong Tịnh Độ của Phật Di Đà, nước, chim, rừng cây, tiếng gió, tiếng nhạc đều lan truyền pháp âm vi diệu, chúng sanh vừa nghe thấy đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, phát Bồ Đề tâm, chế phục, diệt trừ phiền não. Lại chẳng có nữ nhân và cái tâm Nhị Thừa, thuần nhất là bầu bạn Đại Thừa thanh tịnh. Do có những trợ duyên ấy duy trì, dìu dắt, phiền não ác nghiệp rốt ráo chẳng thể dấy lên. Vì thế, có thể đạt tới địa vị Vô Sanh. So sánh như thế, [liền biết] vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ sẽ là một trăm phần trăm Bất Thoái. Lại còn hễ sanh đến đó, liền đắc Bất Thoái. Hai đằng sai khác rất rõ ràng, có gì đáng để hoài nghi nữa chăng? Do vậy, nói theo phía chúng ta, hãy nên chọn lựa vãng sanh thế giới Cực Lạc.
 
          (Luận) Như Thích Ca Phật tại thế chi thời, đại hữu chúng sanh kiến Phật bất đắc thánh quả giả, như hằng sa. Di Lặc xuất thế diệc nhĩ, đại hữu bất đắc thánh quả giả, vị như Di Đà Tịnh Độ, đản sanh bỉ quốc dĩ, tất đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, vị hữu nhất nhân thoái lạc tam giới, vị sanh tử nghiệp phược dã.
          ()如釋迦佛在世之時,大有眾生見佛不得聖果者如恒沙。彌勒出世亦爾,大有不得聖果者。未如彌陀淨土,但生彼國已,悉得無生法忍,未有一人退落三界,為生死業縛也。
          (Luận: Như thuở Phật Thích Ca tại thế, có rất nhiều chúng sanh tuy thấy Phật mà chẳng đắc thánh quả, số ấy nhiều như cát sông Hằng. Phật Di Lặc xuất thế cũng vậy, có rất nhiều người chẳng đắc thánh quả. Chẳng bằng Tịnh Độ Di Đà, chỉ sanh về cõi ấy, thảy đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, chẳng có người nào lui sụt, rơi vào tam giới, bị nghiệp sanh tử trói buộc).
 
          Kế đó, xét theo phương diện chứng quả, cũng có sự hơn kém khác biệt. Như thuở Phật Thích Ca tại thế, có rất nhiều chúng sanh gặp đức Phật mà chẳng đắc thánh quả, số lượng nhiều như cát sông Hằng. Phật Di Lặc xuất thế cũng giống như vậy, có rất nhiều người chẳng đắc thánh quả. Chẳng như Tịnh Độ Di Đà, chỉ cần sanh về cõi ấy, toàn bộ đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, chẳng có một ai thoái thất, đọa lạc tam giới, bị nghiệp sanh tử trói buộc. Sanh về Di Đà Tịnh Độ, xác suất chứng quả là một trăm phần trăm! Vì thế, chọn lựa vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.
          Dưới đây, lại dùng trường hợp thực tế để chứng minh điều này.
 
          (Luận) Hựu văn Tây Quốc Truyện vân: - Hữu tam Bồ Tát, nhất danh Vô Trước, nhị danh Thế Thân, tam danh Sư Tử Giác. Thử tam nhân khế chí đồng sanh Đâu Suất, nguyện kiến Di Lặc. Nhược tiên vong giả, đắc kiến Di Lặc, thệ lai tương báo. Sư Tử Giác tiền vong, nhất khứ sổ niên bất lai. Hậu Thế Thân vô thường, lâm chung chi thời, Vô Trước ngữ vân: “Nhữ kiến Di Lặc, tức lai tương báo”. Thế Thân khứ dĩ, tam niên thỉ lai. Vô Trước vấn viết: “Hà ý như hứa đa thời thỉ lai?” Thế Thân báo vân: “Chí bỉ thiên trung, thính Di Lặc Bồ Tát nhất tòa thuyết pháp, toàn nhiễu tức lai tương báo, vị bỉ thiên nhật trường, cố thử xứ dĩ kinh tam niên”. Hựu vấn: “Sư Tử Giác kim tại hà xứ?” Thế Thân báo vân: “Sư Tử Giác vị thọ thiên lạc, ngũ dục tự ngu, tại ngoại quyến thuộc, tùng khứ dĩ lai, tổng bất kiến Di Lặc”. Chư tiểu Bồ Tát sanh bỉ, thượng trước ngũ dục, hà huống phàm phu? Vị thử nguyện sanh Tây Phương, định đắc Bất Thoái, bất cầu sanh Đâu Suất dã.
   ()又聞西國傳云,有三菩薩,一名無著,二名世親,三名師子覺。此三人契志同生兜率願見彌勒,若先亡者得見彌勒誓來相報。師子覺前亡,一去數年不來,後世親無常,臨終之時無著語云:「汝見彌勒即來相報。」世親去已三年始來。無著問曰:「何意如許多時始來?」世親報云:「至彼天中,聽彌勒菩薩一坐說法,旋繞即來相報。為彼天日長故,此處已經三年。」又問:「師子覺今在何處?」世親報云:「師子覺為受天樂,五欲自娛在外眷屬,從去已來總不見彌勒。」諸小菩薩生彼尚著五欲,何況凡夫?為此願生西方定得不退,不求生兜率也。
          (Luận: Lại nghe bộ Tây Quốc Truyện chép rằng: - Có ba vị Bồ Tát, vị thứ nhất tên là Vô Trước, vị thứ hai tên là Thế Thân, vị thứ ba tên là Sư Tử Giác. Ba người ấy đồng lòng nguyện cùng sanh lên Đâu Suất, nguyện thấy Di Lặc. Nếu người nào mất trước, được thấy đức Di Lặc, thề sẽ trở lại báo tin. Sư Tử Giác chết trước, chết đã mấy năm, chẳng thấy trở lại. Về sau, Thế Thân vô thường; khi lâm chung, Vô Trước bảo rằng: “Ông thấy đức Di Lặc thì trở lại báo tin ngay!” Thế Thân mất rồi, ba năm sau mới quay lại. Vô Trước hỏi: “Vì sao lâu như vậy mới trở lại?” Thế Thân đáp: “Tôi đến cõi trời ấy, nghe Di Lặc Bồ Tát nói xong một bài pháp, đi nhiễu Ngài một vòng rồi trở về báo tin ngay. Do ngày trên cõi trời ấy dài, cho nên trong xứ này đã trải qua ba năm”. Lại hỏi: “Sư Tử Giác nay đang ở chỗ nào?” Thế Thân đáp: “Sư Tử Giác đang hưởng sự vui trên cõi trời, tự vui sướng trong ngũ dục, còn ở chỗ quyến thuộc bên ngoài, từ lúc mất đcho đến nay, ông ta chưa hề gặp đức Di Lặc”. Các vị tiểu Bồ Tát sanh lên đó, còn đắm đuối ngũ dục, huống hồ phàm phu? Vì lẽ này, nguyện sanh về Tây Phương, chắc chắn đắc Bất Thoái, chẳng cầu sanh Đâu Suất).
 
          Lại nghe trong bộ Tây Quốc Truyện có chép: Có ba vị Bồ Tát là Vô Trước, Thế Thân, và Sư Tử Giác cùng lập chí nguyện, cùng sanh Đâu Suất, nguyện thấy Di Lặc Bồ Tát. Họ ước định nếu ai chết trước, gặp ngài Di Lặc, sẽ trở lại báo tin. Sư Tử Giác chết đầu tiên, mất đã mấy năm mà chẳng thấy trở lại. Sau đó, Thế Thân thị hiện vô thường; lúc lâm chung, Vô Trước dặn dò: “Ông gặp Di Lặc Bồ Tát sẽ đến báo tin nhé”. Thế Thân mất rồi, ba năm sau mới trở lại báo tin. Vô Trước hỏi: “Không ngờ phải lâu như vậy ông mới trở lại”. Thế Thân trả lời: “Tôi tới cõi trời đó, nghe Di Lặc Bồ Tát giảng xong một thời pháp, đi nhiễu Ngài rồi trở về báo tin ngay. Do thời gian trên cõi trời ấy rất dài, cho nên trong nhân gian đã là ba năm”. Vô Trước lại hỏi: “Sư Tử Giác nay đang ở đâu?” Thế Thân trả lời: “Sư Tử Giác đang hưởng thụ thiên lạc, ông ta đang vui đắm trong ngũ dục, còn ở trong các vị quyến thuộc tại ngoại viện. Từ lúc ông ta mất cho đến nay, vẫn chưa hề thấy Di Lặc Bồ Tát”. Như vậy thì hàng tiểu Bồ Tát sanh lên Đâu Suất còn đắm đuối ngũ dục, huống hồ phàm phu? Thấy rõ ràng tình hình này, bèn phát nguyện sanh về Tây Phương. Như thế thì chắc chắn sẽ đạt được địa vị Bất Thoái Chuyển, chẳng cần cầu [vãng sanh] Đâu Suất.

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
2 Phật Giáo Và Cuộc Sống, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về
3 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
5 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
7 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
8 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
12 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
15 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về