Niệm Phật
Cư Sĩ Tịnh Mặc

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật Thích Ca dạy: “Các đức Như Lai trong mười phương nhớ thương chúng sinh như Mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh Mẹ thì cái nhớ ấy cũng không ích gì. Nếu con nhớ Mẹ như Mẹ nhớ con thì Mẹ và con trong đời này và trong các đời sau quyết không xa nhau. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật niệm Phật thì trong hiện tại và ở tương lai nhất định thấy Phật và cách Phật không xa.”

Như ta đã biết, các đức Phật và Bồ Tát có lòng thương chúng sinh vô hạn, luôn luôn sẵn sàng cứu độ chúng ta thoát khỏi nơi bể khổ sông mê. Nhưng nếu chúng ta ương ngạnh tránh các đức Phật và Bồ Tát thì chẳng khác nào một người đi xuống phương Nam và một người đi lên phương Bắc, càng ngày càng xa nhau, không thể nào gặp nhau được. Nếu con nhớ Mẹ, dù đường xa muôn dặm những mỗi ngày đi một ít, tất cũng sẽ có lúc đến nơi Mẹ. Huống chi Mẹ nghe thấy lời kêu gọi thành thật và tha thiết của con, Mẹ vội tìm đến với con. Như thế, Mẹ và con rất chóng gặp nhau.

Con nhứt quyết tìm Mẹ, tức là con muốn tu học làm Phật và phát tâm Bồ Đề. Con tưởng nhớ và tha thiết kêu cầu Mẹ tức là con niệm Phật và Bồ Tát.

Vậy niệm Phật và Bồ Tát là một phương pháp để tiến tới gần chư Phật và Bồ Tát, để hưởng ánh sáng giác ngộ của Phật và Bồ Tát.

1. Ý nghĩa của niệm Phật.

Niệm Phật, niệm Bồ Tát có những ý nghĩa sau đây:

Niệm Phật và niệm Bồ Tát là đọc (tụng) những kinh Phật, những lời vàng ngọc của chư Phật và Bồ Tát dạy, các danh hiệu đầy ý nghĩa cao cả của các đức Phật và Bồ Tát.

Niệm Phật và niệm Bồ Tát là nhớ tưởng đến chư Phật và Bồ Tát là suy nghĩ những đức hạnh rộng lớn vô biên: Từ, Bi, Hỷ, Xả của các Ngài.

Niệm Phật và niệm Bồ Tát là trước tấm gương trong sáng của Phật và Bồ Tát, ăn năn (sám hối) những lỗi lầm, và nguyện quyết tâm làm các việc lành, trừ bỏ các việc ác, tuân theo những lời chư Phật và Bồ Tát dạy.

Niệm Phật và niệm Bồ Tát là nghĩ tưởng đến tướng tốt đẹp của chư Phật và Bồ Tát rồi suy nghĩ rằng tướng tốt đẹp y là phản ánh của trí tuệ sáng suốt và kết quả của những đức hạnh rộng lớn vô biên: Từ, Bi, Hỷ, Xả…

Niệm Phật, niệm Bồ Tát là cầu đức Phật và chư Bồ Tát chỉ đường, dắt dẫn cho qua khỏi lo sợ, buồn phiền, đau khổ.

2. Ích lợi của sự niệm Phật.

Khi niệm Phật người Phật tử trước hết phải sửa soạn cho thân được sạch sẽ và tâm trí được yên lặng.

Niệm Phật, tưởng nhớ đến Phật sẽ làm cho thân tâm không nghĩ và không làm những điều mê lầm, sai quấy nữa.

Trong khi niệm Phật, thân không hành động những việc ác, miệng không nói những lời xấu, tâm không nghĩ những điều giận hờn, oán ghét. Như vậy là ta tránh được những ác nghiệp của thân, khẩu, ý tránh được những nguyên nhân sinh ra khổ đau.

Chúng ta nhớ lại rằng Bản thể, Chân tâm của ta chẳng khác nào một tấm gương trong sáng. Gương trong sáng ấy ghi bóng của tất cả những cảnh vật đi qua. Hình xấu thì ảnh trong gương xấu, hình đẹp thì ảnh trong gương đẹp. Nếu ta không chiếu vào gương những cảnh xấu mà chỉ chiểu toàn những cảnh đẹp thì tất nhiên gương sẽ phản ảnh ra toàn  bộ những hình đẹp.
Niệm Phật ấy là ta chiếu vào Gương Lòng trong sáng của ta (Chân tâm) toàn những hình đẹp, đức Từ, Bi của Phật hoàn toàn trọn vẹn, hạnh Hỷ Xả của Phật hoàn toàn đầy đủ…

Đem bấy nhiêu thứ đẹp tuyệt đối chiếu vào Gương Lòng, làm gì mà tâm chúng ta không đẹp, không tốt, không vui?

Hằng ngày niệm Phật, chúng ta sẽ được thấm nhuần những đức tánh của Phật, sẽ được cảm hóa, yên vui trong ánh sáng thanh tịnh và dần dần chúng ta sẽ giác ngộ, giải thoát.

3. Cách niệm Phật.

Niệm Phật có nhiều cách, tùy từng lúc, tùy từng trường hợp. Sau đây là vài cách niệm Phật:

Tụng niệm: Đứng trước bàn thờ Phật, thắp hương, niệm lớn tiếng.

Mật niệm: Niệm nhỏ tiếng, niệm thầm. Thí dụ như gặp chỗ không có bàn thờ Phật, hoặc chỗ đông người hoặc trước khi ngủ hoặc lúc tỉnh giấc dậy, niệm nho nhỏ, đủ để một mình nghe.
Khẩn niệm: Bất chợt gặp một tai nạn, đau khổ, niệm khẩn thiết đức Phật, đức Quán Thế Âm, đức Dược sư…

Quán niệm: Đứng trước tượng hoặc hình ảnh đức Phật, chiêm ngưỡng tướng tốt đẹp của Phật, rồi tưởng tượng đức Phật ở trước mắt. Suy nghĩ và nhớ lại rằng đức Phật có tướng tốt đẹp như thế vì đức Phật có những đức hành Từ, Bi, Hỷ, Xả, Thanh, Tịnh rộng lớn vô biên.

Chuyên niệm: Đi, đứng, nằm, ngồi bất cứ làm việc gì hoặc gặp việc gì cũng nghĩ nhớ đến Phật, tưởng tượng chư Phật và Bồ Tát luôn luôn ở gần bên để chỉ dẫn cho ta hành động và suy xét đúng với Chân lý.

Niệm Phật một niệm tức là tiến gần đến Phật một bước.

Niệm luôn như thế mãi, chúng ta sẽ thấy chúng ta gần Phật và Phật đến với chúng ta. Rồi lâu dần, chúng ta sẽ thấy Phật ở ngay trong lòng ta, sáng suốt, trong sạch và yên vui vô cùng.

Để có ý chí muốn niệm Phật, người Phật tử phải tự mình thực hiện ba điều cần yếu:

Điều thứ nhất là: lập đức Tin chắc chắn.

Tin chư Phật và Bồ Tát là những vị giác ngộ đầy lòng tư bi, cứu khổ và soi sáng cho chúng sinh.

Tin giáo pháp của đức Phật chắc chắn đưa chúng ta đến chỗ giải thoát và hạnh phúc chân thật.

Tin mình có đủ khả năng tu tập thành Phật, thành Bồ Tát hoặc vãng sinh sang Cực Lạc thế giới.

Điều thứ hai là lập Nguyện vững vàng.

Người Phật tử phải quyết chí tu học Phật pháp, nguyện ăn ở, hành động theo giáo lý của đức Phật, để sẽ  được vãng sanh sang Tịnh Độ, hoặc sẽ thành Phật, thành Bồ tát.

Khi đã lập chí vững vàng thì không bao giờ có thể thoái lui nữa, dẫu gặp những cản trở, khó khăn đến đâu cũng vẫn tiến, không hề chán nản.

Điều thứ ba là lập Hạnh.

Lập Hạnh tức là đem thực hành chí nguyện nói trên, đem thực nghiệm những giáo pháp của đức Phật dạy, trong đó có phương pháp niệm Phật, niệm Bồ Tát.

Chúng ta phải thực hành chí nguyện một cách siêng năng, kiên quyết, phải niệm Phật đến mực thuần thục, nghĩa là tâm trí không tưởng nghĩ đến việc khác, chỉ tưởng nghĩ đến Phật và Bồ Tát, chỉ trông thấy Phật và Bồ Tát mà thôi.

Niệm thuần thục như thế trong Kinh gọi là “Niệm nhất tâm bất loạn.”

Vì vậy, người Phật tử khi sắp lâm chung phải làm cho tâm thần yên tĩnh, gạt bỏ hết trần duyên, thế sự, đừng luyến tiếc cơ nghiệp, của cải, gia đình, quyền thế...Thường chỉ vì lòng quyến luyến, tham tiếc ấy mà người ta không có thể niệm Phật được nhất tâm bất loạn. Chẳng khác gì trong truyện ngụ ngôn: Con Cò muốn bay mà con Ngao kẹp miệng kéo xuống. Cò vẫy cánh thật mạnh mà không thể bay bổng lên cao được. Càng vẫy nhiều càng thêm đau khổ.

Vì lẽ ấy khi ông bà, cho mẹ sắp mất các con cháu hiểu thảo, hiểu thâm sâu Đạo Phật, phải bình tâm, sửa soạn một khung cảnh yên tịnh cho ông bà, cho mẹ dễ dàng việc định tâm, niệm Phật.

Ta chẳng nên vì lòng thương yêu sai lầm mà la khóc ầm ĩ, làm cho ông bà, cha mẹ rối loại tâm thần, luyến tiếc thế sự không thể yên ổn vãng sinh sang cõi Cực Lạc, mà lẩn quẩn trong vòng luân hồi của thế gian này mãi.

Lúc ấy con cháu nên bình tĩnh tiếp sức với ông bà, cha mẹ mà khẩn thiết niệm đức Phật A Di Đà từ bi thương xót tiếp dẫn người thân yêu sang quốc độ của Ngài.

4. Niệm lần tràng.

Lúc niệm Phật, thường khi hay lần một chuỗi tràng, cho nên gọi là niệm lần tràng. Lần tràng hạt là một pháp môn do Phật dạy để giúp chúng ta niệm được dễ dàng và chóng đến mức thuần thục nhất tâm bất loạn.

Tràng hạt có nhiều thứ: bằng sắt, bằng đồng, bằng gỗ, bằng hạt sen, hạt bồ đề, bằng thủy tinh, ngọc, kim cương...

Theo kinh sách thì mỗi thức có công nhiều nhiều, ít khác nhau nhưng tràng bằng hạt bồ đề và kim cương là hơn cả.

Tràng hạt có hạng dài, hạng ngắn; dùng hạng nào cũng được. Có tràng một ngàn tám mươi hạt (1.080) có tràng một trăm tám hạt (108), năm mươi bốn hạt (54), bốn mươi hai hạt (42), hai mươi bảy hạt (27), hai mươi mốt hạt (21), mười bốn hạt (14).

(Xin xem: “Kinh lần tràng” dịch giả Thích Tâm Châu)

Ngoài ra còn có thứ tràng mười tám (18) và ba mươi sáu (36) hạt, dùng trong phái Thiền Tôn và Niệm Phật Tôn.

Mỗi hạt hàm một ý nghĩa riêng của Phật giáo. Hoặc nó tượng trưng cho những phiền não (tham, sân, si...) mà chúng ta phải trừ diệt, hoặc tượng trưng cho chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh...Nó cũng tượng trưng cho những đức tánh mà Phật tử muốn đạt được, hay những đức tánh mà người tu hành phải nương tựa vào để tinh tiến đi đến Phật quả (đức Từ bi, Hỷ, Xả, Tinh tấn...)

Hạt ở chính giữa tiêu biểu đức Phật A Di Đà.

Như vậy mỗi khi lần một hạt tràng có ý nghĩa thâm sâu là thân, miệng và ý của ta đang làm một điều lành; hoặc dứt bỏ những phiền não, tham, giận, si mê...nó trói buộc ta; hoặc nắm giữ lấy những đức tánh giải thoát của chư Phật, Bồ Tát và Thánh hiền.

Trước khi lần tràng và niệm Phật, người Phật tử phải làm cho thân thể, tay, chân, miệng, lưỡi, tâm trí đều sạch sẽ và yên lặng. Rồi tay cầm tràng để trước ngực ngang trái tim. Chuỗi tràng để trên ngón tay giữa, đầu ngón tay cái và đầu ngón tay chỏ cầm vào hạt tràng (hạt tràng ở đầu, áp với hạt giữa). Mỗi niệm lần một hạt.

Khi lần đến hạt giáp hạt giữa thì lần trở lại: đừng lần qua hạt giữa mà phạm tội “Việt Pháp” (Việt: vượt qua, Pháp tức là Phật, tức A Di Đà).

Chúng ta cần nhớ lại là khi lần tràng niệm Phật phải chí thành, tâm không được tán loạn, dính líu vào cảnh khác, chỉ tưởng nghĩ đến Phật mà thôi.

Niệm xong người Phật tử bao giờ cũng phải nghĩ đến việc cứu giúp, giác ngộ người khác nên kết thúc bằng bốn câu hồi hướng:

“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.”

5. Lễ (Lạy Phật)

Đã là Phật từ thì ai cũng lễ (lạy) Phật, nghĩa là đứng trước bàn thờ Phật, trước tượng hoặc hình ảnh của đức Phật, nghiêm trang làm lễ, đầu sát tới đất.

Lễ Phật để làm gì? Lễ Phật không có ý nghĩa là lễ một vị Thần Linh hay thờ cúng và lễ bái một bức tranh hoặc bức tượng. Làm như thế là mê tín, trái với Giáo lý của đạo Phật bài trừ hết thảy mê tín.

Đức Phật đã dạy tất cả hình tướng, ngay cả xác thân của Ngài khi còn tại thế, đều là giả dối, vô thường. Vậy Ngài không dạy chúng ta phải lạy Ngài và lạy những tranh, tượng vẽ hình dáng của Ngài.

Nhưng chúng ta là những kẻ phàm phu còn sống trong vòng thế gian thông thường, còn phải tu hành nên chúng ta còn cần phải có một cái gì để tượng trưng trước mắt ta và trong trí ta những đức tánh rộng lớn vô biên, từ bi, hỷ, xả, thanh tịnh, dũng mãnh, giác ngộ, trí tuệ của Ngài để nhắc nhở chúng ta.

Chúng ta lễ trước bức tượng, bức tranh Phật không phải là chúng ta lễ bức tranh hay bức tượng ấy, mà là chúng ta lễ, chúng ta tỏ lòng cung kính những đức tính rộng lớn cùng cực, đời đời làm gương mẫu cho ta.

Trước những đức tính cao cả vô biên ấy, chúng ta cảm thấy chúng ta còn biết bao nhiêu mê lầm, bao nhiêu khiếm khuyết, bao nhiêu tội lỗi. Chúng ta cảm thấy chúng ta như một hạt bụi nhỏ nhen đối với một trái núi ngất trời. Tự nhiên chúng ta phải sụp lạy để tôn kính cái gì cao quý đang soi sáng cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta và nâng nhân vị chúng ta lên đến cực điểm.
Như thế, lễ Phật không có ý nghĩa là mê tín và cũng không có ý nghĩa là làm hèn hạ thân mình phải cúi rạp đầu xuống đất.

Trái lại, cúi đầu sát đất là để ta bỏ cái tính ngã mạn, cái lòng tự cao tự đại mê tối, ngu xuẩn của chúng ta. Mà chúng ta bỏ được cái tính kiêu mạn, cái ngu tối ấy là chúng ta biết nâng chúng ta dần dần lên đến những đức tính cao quý, sáng suốt và rộng lớn của chư Phật.

Nói tóm lại, chúng ta lễ Phật với ba ý nghĩa, với ba mục đích sau:

Một là với ý chí bỏ tính ngã mạn, tưởng rằng thân mình là cao là quí nên đã làm bao nhiêu điều tham lam, mê lầm, sai quấy.

Hai là với ý nguyện theo gương đức Phật, làm cho những đức tính ẩn nấp trong thân tâm ta được sáng suốt, nẩy nở như những đức tính cùng cực vô biên của đức Phật.

Ba là quyết chí đem đời chúng ta qui hướng theo Phật, tức là qui hướng về điều thiện, hy sinh cho Chân lý, chỉ làm những điều chân chánh, vừa lợi ích cho mình, cho người và các vật khác.
Trích từ: Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Ánh Sáng Chân Tâm, Viet Nalanda Foundation Tải Về
2 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
3 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về