Huệ Vĩnh đại sư, người đời Tấn, họ Phan quê ở Hà Nội. Năm 12 tuổi ngài xuất gia, theo thừa sự sa môn Trúc Đàm Hiện. Ban sơ, đại sư tu thiền định ở Hằng Sơn. Kế lại cùng với ngài Huệ Viễn y chỉ tu học với Đạo An pháp sư.

Niên hiệu Thái Nguyên năm đầu, đại sư đến Lô Sơn. Quan Thứ sử Đào Phạm mến hạnh đức, giở nhà mình đem lên núi xây cất thành ngôi Tây Lâm để cúng dường. Ngài giữ nét thanh đạm từ hòa, mặc áo vải, ăn cơm rau, đoan nghiêm kiệm ước sửa mình, mặt thường lộ vẻ tươi cười, lời nói không thương tổn đến người cùng vật loại.

Về sau, đại sư để cảnh Tây Lâm cho chúng tu tịnh hạnh ở, riêng mình dời lên đảnh Lô Sơn, dựng một ngôi tĩnh thất lợp tranh, để thiền tư và niệm Phật. Khách lên non viếng thăm, đến trú xứ của ngài, thường nghe mùi hương lạ nhẹ nhàng thanh thoát. Nhân đó, hàng đạo tục thời bấy giờ gọi chỗ ở của đại sư là Hương Cốc. Không bao lâu, có con mãnh hổ tới lưu trụ nơi tĩnh thất của ngài, để hầu hạ và giữ gìn. Những tục khách vãng cảnh làm huyên náo, và các thú khác đến, đều bị hổ đuổi đi.

Có một độ đại sư nhân Phật sự phải xuống núi, lúc trở về thì đã xế chiều. Khi đến Ô Kiều, gặp vị tướng chủ binh trại ở đó say rượu, cưỡi ngựa đón đường không cho đi. Thấy trời sắp tối, ngài cầm tích trượng chỉ con ngựa, ngựa bỗng sợ hãi lồng lên, hất viên tướng té xuống cầu. Đại sư bước tới đỡ dậy an ủi, bảo quân hầu cận đưa về dinh. Nhân đó vị tướng cảm bịnh, khi lành mạnh vội lên non sám hối. Đại sư bảo: "Đó không phải là chủ ý của bần đạo, mà chính là thần Hộ giới xui nên đấy!". Lại một lúc nọ, Trấn Nam tướng quân Hà Vô Kỵ, cho bộ tốt mời ngài đến nhiệm sở ở Tầm Dương, ý muốn vấn nạn. Nhưng khi thấy đại sư mang dép cỏ, ôm bát, cầm tích trượng tới nơi, thần thái thanh nhã phiêu diêu, nét mặt đoan nghiêm điềm tĩnh, tướng quân bỗng sanh lòng nể sợ cảm phục, tiếp đãi một cách ân trọng, rồi cho quân sĩ hộ tống đưa về. Hàng đạo tục nghe biết chuyện đó quy hướng ngày thêm đông nhiều.

Bình thời, đại sư siêng năng tinh tu, không nài khổ nhọc, chí nguyện mãn báo thân được sanh về Cực Lạc. Niên hiệu Nghĩa Huy năm thứ mười, ngài xuống Tây Lâm, kế liền cảm bịnh nhẹ. Vài hôm sau, đại sư đang nằm, bỗng ngồi dậy vén áo tìm dép muốn bước đi. Đại chúng hỏi, ngài đáp: "Tây phương Tam Thánh đã đến!". Nói xong đứng chấp tay niệm Phật mà hóa. Thọ được 83 tuổi.

Khắp ngôi Tây Lâm, mùi hương lạ bay ngào ngạt, bảy hôm sau mới lần tan.
 

Trích từ: Mấy Điệu Sen Thanh
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Mấy Điệu Sen Thanh, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Mã Minh Đại Sĩ
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Huệ Kiền Pháp Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh