Đã nói nhứt tâm bình đẳng thể tánh không thiếu; nhưng chúng sanh bị ràng buộc trong nghiệp thức, có chí xuất trần mới tìm đạo pháp lại bị ma cảnh ngăn trở, một việc không chí tâm vạn thiện tiêu tan, nhơn điều nhỏ mà hỏng việc lớn, dù đã được cũng trở thành luống công. Lại còn bị vật dục khuynh loát, sanh tử luân chuyển không ngừng, biến đổi không thôi, khiến đức Như-Lai ta trong ba đại a-tăng-kỳ kiếp xả vô số đầu mắt tủy não quốc thành thê tử thân thể tay chân, thật hành giới, nhẫn, tinh tấn hầu hạ tri thức, tu hành đạo phẩm không tiếc thân mạng, vô ích sao?

Giáo pháp do những chướng ngại này làm thối thất, một khi tại ta mà bị diệt lại không đau buồn sao! Ta nay xưng là con Phật Thích-Ca không chịu gắng sức, điềm nhiên tọa thị khiến cho pháp giới quần sanh vĩnh viễn mất đi huệ mục, thật đáng cắt bỏ thân mạng này vậy.

Cho nên tôi nay y kinh lập nên mười điều chướng ngại, gọi là mười điều không nên cần cầu. Con người tuy không mong chướng ngại, chỉ trong thời gian hoặc bất đắc dĩ, khi có những chướng ngại hiện đến khiến thân tâm ta đối với sự chướng ngại ấy, các ma cảnh ác chướng không thể tổn hại được, không ngăn cản được. Ví như vàng và lửa cùng trong một lò, lửa tuy lấn áp vàng, nhưng vàng đã thành vật dụng.

Mười điều chướng ngại như sau:

1. Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh khổ.

2. Ở đời đừng cầu không hoạn nạn.

3. Cứu xét tâm tánh đừng cầu không khúc mắc.

4. Lập hạnh đừng cầu không bị ma chướng.

5. Làm việc gì đừng mong việc dễ thành.

6. Giao tiếp thân tình đừng cầu lợi lộc.

7. Đối với người đừng cầu thuận theo ý mình.

8. Thi ân đừng mong sự đền đáp.

9. Thấy lợi đừng mong dính vào.

10. Bị oan ức không cần biện bạch.

Trên đây là mười chướng ngại lớn trong những chướng ngại, chỉ có người thượng trí mới tránh được còn hạng trung và hạ căn không thể tránh khỏi. Nếu được nghe mười điều chướng ngại này nên phải suy xét cẩn thận từng sự việc một để nhắc nhở trong sự tu tập không được lãng quên, mới không bị quần ma làm thối tâm. Đối với sắc thanh không bị sắc thanh hoặc loạn ý chí, cho đến những sự thương ghét, danh lợi, nhơn ngã, được mất vẫn an nhiên thì những ma sự kia đâu thể làm trở ngại được. Chướng ngại đã không ngại thời đạo hạnh có thể thăng tiến. Đối cảnh đã như nhiên không ngại, đường đạo há không thể tăng tiến sao? Ví như cây cao ở sườn núi tuy từ lâu như bị cháy còn không mất vẻ xanh tươi nay lại được nước mưa chan hòa thấm ướt ba năm há lại không thật tươi tốt tú mậu sao? Lại như có người bị khuyết tật, vận dụng khó khăn nhưng trong phương cách tìm sự sống cũng còn biết cách xoay trở, nếu đem sự suy nghĩ này để cầu đạo há vì sự chướng ngại mà không chịu tu tập sao?

Nên nhận thức những chướng ngại là đại thiện tri thức của chúng sanh, cũng là bạn lành ruộng phước của chúng sanh, do đó mà ra khỏi sanh tử, có thể siêu phàm nhập thánh, những thứ mỹ vị gấm vóc lụa là trân bảo ở thế gian không thể sánh kịp được. Cho nên nếu không có chướng ngại trên đường tu tập thời những điều không chướng ngại trở thành chướng ngại rồi.

Tại sao? Thân không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh. Đời không khúc mắc thì sở học không thấu đáo. Đạo hạnh không ma chướng thì thệ nguyện không kiên cố. Việc làm dễ thành thì khinh thường kiêu ngạo. Ý vì lợi mình thì mất đạo nghĩa. Người người thuận theo ý mình thì tâm sanh kiêu căn. Thi ân mong đền đáp là có ý mưu đồ. Thấy lợi dính vào là si mê dấy động. Oan ức mà biện bạch là chưa xả nhơn ngã. Như vậy mười điều không chướng ngại có thể sanh ra nhiều lỗi, tạo nên những điều bất thiện, là nhơn duyên chướng ngại đạo nghiệp.

Vì sao? Tham dục khởi sanh ra phá giới thối đạo. Kiêu sa khởi nên khinh khi tất cả. Sở học chưa thấu nên chưa thông nói đã thông. Chí nguyện không kiên cố nên chưa chứng nói đã chứng. Tâm khinh mạn nên bảo có thể làm được tất. Thiếu đạo nghĩa nên thường thấy lỗi người. Tự kiêu căn sanh tướng chấp ngã. Ý có mưu đồ sanh khoe khoang khoác lác. Si tâm động nên ham lợi quên mình. Còn nhơn ngã thì oán hận nảy sanh. Mười lỗi này làm cho phàm nhơn vọng sanh tà kiến tạo nhiều tội ác đầy cả hư không khiến phải đọa địa ngục, vậy phải thận trọng!

Nơi thể của chướng ngại nhận biết là do nhân duyên sanh, tánh vốn không thì chướng ngại không thể quấy nhiễu được. Hiểu được như vậy rồi thì biết thể của chướng nạn đó vốn là vọng, trừ được chướng nạn vô căn đó, thì chướng tự diệt không còn chướng ngại nữa. Thấu hiểu ma vọng đã không có căn nguyên thì ma nào có thể nhiễu loạn.

Lượng sự do tâm, thành sự theo nghiệp. Sự việc chẳng do ta, tình ý làm nhơn, mà tính ý khó kham, tình là y vào duyên nên người thông minh xử thế thấy người mê làm gì cũng mong được báo đáp. Biết đức vô tánh, quán đức không thường, đức ấy không thật. Thế lợi vốn không, ham lợi sanh loạn, thấy lợi đừng vọng cầu. Oan ức phải nhẫn, nhẫn phải khiêm nhường, như vậy làm sao tổn hại ta được.

Cho nên đức Phật dạy: Lấy bệnh khổ làm thuốc hay. Lấy hoạn nạn làm giải thoát. Lấy chướng nạn làm thú vị. Lấy ma quân làm pháp lữ. Lấy khó khăn làm an lạc. Lấy tệ bạc làm tư lương. Lấy người chống đối làm nơi giao du. Xem thi ân là đôi dép bỏ. Lấy sự xả lợi làm phú quí. Lấy oan ức làm cửa ngỏ hành đạo. Như vậy ở nơi chướng ngại được thông suốt, mà mong thông suốt là chướng ngại, nơi chướng ngại này thành diệu cảnh, nên sự được mất chẳng nên biết làm gì, người đời cố chấp mới có thủ xả. Đức Như-Lai đã ở nơi chướng ngại mà đắc đạo Bồ-Đề, đến như vì nửa bài kệ mà gặp La-sát, khi làm tiên nhơn gặp Ca-Lợi Vương (20), tỳ-kheo tăng thượng mạn dùng gạch đá đả kích, nữ nhơn độn bụng giả có thai để hủy báng, nhóm Ương-Quật hành hung, Đề-Bà-Đạt-Đa quấy phá mà đức Phật vẫn giáo hóa thọ ký cho thành Phật. Như vậy há không phải những sự chống đối đem đến sự thuận lợi, những sự phá hoại tác thành cho ta sao?

Huống lại trong thời mong manh xấu ác, người đời thay đổi bất thường, người học đạo há không có chướng ngại sao? Ngày nay nếu không dấn thân vào những chướng ngại đến khi chướng ngại đưa tới thì không thể ứng phó khiến cho đại bảo pháp vương do đây mà mất, thật đáng tiếc lắm!
 

Kẻ ngu tôi y kinh đưa ra những nhận định này xin đừng bỏ qua. Thảng hoặc nhơn nghe nghĩa này mà chướng ngại xảy đến liền phản tỉnh dõng mãnh tinh tấn tu tập, có thể gọi là ý chỉ vậy.

Trích từ: Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
4 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
5 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
6 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
7 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
8 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Quy Nguyên Trực Chỉ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
10 Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
11 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
12 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
13 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
14 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về

Lời Hay Chưa Hẳn Đã Chiếm Được Lòng Người
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Niệm Phật Phải An Nhẫn Các Chướng Duyên
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Tiêu Trừ Chướng Ngại
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Chướng Ngại Của Hành Giả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không