Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Trich-Dan-Tay-Phuong-Hiep-Luan-Cua-Thach-Dau-Dao-Nhan-Tuc-Cu-Si-Vien-Hoang-Dao-O-Ha-Diep-Am-Thoi-Minh

Trích Dẫn Tây Phương Hiệp Luận Của Thạch Đầu Đạo Nhân Tức Cư Sĩ Viên Hoằng Đạo Ở Hà Diệp Am Thời Minh
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Muốn trong một đời đạt được cái quả phải tu trong A-tăng-kỳ kiếp, chỉ mười niệm thu tóm cả con đường xa cách mười vạn [cõi nước] thì há có phải là dùng kiến giải thô lậu, tư duy hời hợt, cái tâm kiết sử, cái miệng trần lao mà hòng đạt được ư? Sao chẳng gom một lòng nhẫn để khỏi luống uổng nhiều đời, đúng pháp tu hành hòng khỏi đọa lưới ma?

1- Tịnh Ngộ môn: Muốn sanh về Tịnh Ðộ, hãy nên tham cứu chân thật, liễu ngộ đúng như pháp:

1.1. Một là hiểu rõ uế tức là hằng tịnh, chẳng xả tịnh.

1.2. Hai là nghe nói Tịnh Ðộ chẳng thể nghĩ bàn bèn chẳng khiếp nhược.

1.3. Ba là biết trong Tất Cánh Không, nhân quả chẳng mất, dứt hết thảy pháp ác, chẳng làm ác nữa.

1.4. Bốn là biết cõi kia chẳng đến, chẳng đi, cõi này cũng chẳng đến chẳng đi.

1.5. Năm là liễu ngộ thân lượng của Phật đầy khắp hư không, thân lượng của chúng sanh cũng đầy khắp hư không.

1.6. Sáu là nghe các hạnh trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp chẳng kinh sợ.

1.7. Bảy là tu thập thiện, tam phước, chẳng trụ trong nhân, thiên.

1.8. Tám là sau khi thức giấc, nhớ lại việc trong mộng, chẳng còn có kiến giải hữu, vô.

1.9. Chín là như mắt thấy cố hương, tin hay không tin đều bất khả đắc.

1.10. Mười là biết pháp vô ngã, thuận tánh lợi sanh mãi cho đến khi thành Phật không nhàm chán, mệt mỏi.

Bồ Tát nhập môn này rồi, thành tựu bạch pháp, tùy ý được sanh.

2- Tịnh Tín môn: Nếu tu hành mà chưa thể đốn ngộ, hãy nên vun sâu tín căn, chẳng kinh, chẳng động.

2.1. Một là tin vào lời thành thật từ kim khẩu, quyết định sẽ sanh.

2.2. Hai là tin tự tâm rộng lớn, vì có đủ các công đức thanh tịnh như vậy.

2.3. Ba là tin nhân quả như hình với bóng vì chúng quyết định đi theo nhau.

2.4. Bốn là tin hình chất và tâm thức của thân này và hết thảy thế giới kiến lập như ánh nắng dợn, như hoa đốm trên không, vì vô sở hữu.

2.5. Năm là tin đời ác ngũ trược, nóng lạnh khổ não, uế tướng hun đốt, chẳng thể ở nổi một khắc.

2.6. Sáu là tin hết thảy pháp duy tâm, như nhớ đến trái mơ thì lưỡi có vị chua vậy.

2.7. Bảy là tin niệm lực chẳng thể nghĩ bàn như nghiệp lực.

2.8. Tám là tin thai sen chẳng thể nghĩ bàn giống như bào thai vậy.

2.9. Chín là tin Phật vô lượng thân, vô lượng thọ, vô lượng quang chẳng thể nghĩ bàn, mà thân con kiến, tuổi phù du, như ánh đom đóm, đều đồng nhất bất khả tư nghị.

2.10. Mười là tin thân này quyết định sẽ chết.

Nếu đầy đủ tín căn như thế thì giở chân, hạ chân, không chi là chẳng niệm Phật.

3- Tịnh Quán môn: Vô thỉ cấu uế của chúng sanh trọn khắp hết thảy các pháp; tu Tịnh nghiệp thì phải kèm thêm các thứ quán hạnh để gọt giũa tập khí hòng làm phương tiện vãng sanh.

3.1. Một là tịnh quán: Quán tướng hảo của Phật như Quán Kinh đã dạy.

3.2. Hai là bất tịnh quán: Quán thân bất tịnh, khí thế gian bất tịnh, sanh lòng chán lìa.

3.3. Ba là vô thường quán: Quán hết thảy pháp vô định; như đối với cùng một sắc đẹp, kẻ dâm thấy thì vui, kẻ nữ ghen ghét trông thấy đâm ra khổ sở; người tu quán hạnh quán thấy [sắc đẹp ấy] như các thứ nhơ ác, dị loại xem [sắc đẹp ấy] giống như gỗ đất.

3.4. Bốn là hòa hợp quán: Quán thân này, thế giới này, sự thấy nghe hay biết này giống như tích gỗ làm nhà, tích màu để vẽ, chẳng có thật thể.

3.5. Năm là đối trị quán: Quán thân ta, kiết sử nào nặng nề nhất, nên dùng pháp nào để đối trị.

3.6. Sáu là tàm hối quán: Quán hết thảy chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay cùng ta làm cha mẹ, anh em, chị em, con cái, nhưng dâm độc lẫn nhau chẳng hề hay biết, cho nên sanh lòng hối hận lớn lao.

3.7. Bảy là niệm niệm quán: Quán trong hết thảy thời, có mấy lúc là tâm niệm Phật, có mấy lúc tâm lợi lạc chúng sanh, mấy lúc tâm nhơ sạch chộn rộn.

3.8. Tám là bình đẳng quán: Quán hết thảy các sắc là một sắc, không có đẹp, xấu; hết thảy thanh là một thanh, không có khen, chê; hết thảy thọ là một thọ, không có ân, cừu; hết thảy nghĩa là một nghĩa, không có cạn, sâu.

3.9. Chín là vi tế quán: Quán Phật niệm và pháp niệm do đâu khởi lên, sẽ đi về đâu?

3.10. Mười là pháp giới quán: Quán một sợi lông, một hạt bụi, một nhánh cỏ, một cái cây, đều có đủ vô lượng cõi Phật thanh tịnh.

Nếu lúc hành các pháp quán này thì lấy pháp quán thứ nhất là Tịnh Quán làm chủ, chín pháp kia làm bạn.

4. Tịnh Niệm môn: Pháp niệm Phật mang tên Nhất Hạnh tam-muội, nếu niệm tản mạn thì tam-muội chẳng thành.

4.1. Một là nhiếp tâm niệm: Ðối với hết thảy chỗ, nhiếp niệm chẳng quên, dẫu cho ngủ mê cũng hệ niệm trong giấc ngủ, niệm chẳng bị gián cách, chẳng có niệm nào khác.

4.2. Hai là dũng mãnh niệm: Như kẻ háo sắc nghe dâm nữ ở đâu, dù núi hiểm, suối sâu, nẻo lân, hang quỷ cũng mò đến chẳng kinh hãi.

4.3. Ba là thâm tâm niệm: Như biển cả sâu rộng vẫn mò đến tận đáy; đường giác xa vời, chưa đến nơi, chẳng nghỉ.

4.4. Bốn là quán tưởng niệm: Trong niệm niệm thấy ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo.

4.5. Năm là tức tâm niệm: Dứt bặt hết thảy tâm cầu danh, tâm mong quan chức, dục tâm, thế gian tâm, tham luyến tâm, tâm hợm hĩnh, cao ngạo, tâm ngăn trở, tâm nhân ngã thị phi để niệm Phật.

4.6. Sáu là bi đề niệm: Mỗi một khi tưởng đến Phật, lông trên thân dựng cả lên, ngũ tạng như toạc ra, như con thơ lìa mẹ hiền vậy.

4.7. Bảy là phát phẫn niệm: Như kẻ cô đơn, nghèo đói, lại thi rớt, như kẻ cậy tài gặp cảnh tịch mịch, mỗi phen nghĩ đến chẳng muốn sống nữa.

4.8. Tám là nhất thiết niệm: Thấy, nghe, hay, biết và lỗ chân lông, cốt tủy, không chỗ nào chẳng niệm Phật.

4.9. Chín là tham cứu niệm: Niệm Phật một tiếng liền nghĩ tiếng niệm ấy đi về đâu.

4.10. Mười là Thật Tướng niệm: Chẳng dùng hữu tâm niệm, chẳng dùng vô tâm niệm, chẳng dùng hữu vô tâm để niệm, chẳng dùng phi hữu phi vô tâm mà niệm.

Ðấy là môn Niệm Phật của bậc Thượng Phẩm. Nếu niệm như thế thì ngay trong đời này ắt được thấy Phật.

5- Tịnh Sám môn: Muốn trừ trọng chướng, hãy nên siêng sám hối:

5.1. Một là nội sám: Sám hối tâm ý thức là cái nhân của sự bất tịnh.

5.2. Hai là ngoại sám: Sám hối hết thảy sắc, thanh, hương bất tịnh pháp.

5.3. Ba là Sự sám: Sám hối mười tám giới, hai mươi lăm cõi, tám vạn bốn ngàn các thứ trần lao kết sử gây chướng ngại A-tăng-kỳ kiếp các hạnh nghiệp thấy Phật, lợi sanh.

5.4. Bốn là Lý sám: Sám hối từ khi nhập đạo đến nay, những cuồng giải sở đắc, những kinh luận đã học, những nghĩa sâu thẳm đã nghe, các bệnh: Làm, Ngưng, Nhậm (chẳng quan tâm), Diệt v.v… chướng ngại Phật vô lậu trí.

5.5. Năm là quá khứ sám: Sám hối các hắc nghiệp giết, trộm, dâm, dối đã tạo từ đời vô thỉ đến nay, mỗi mỗi đều sám hối.

5.6. Sáu là vị lai sám: Hết thảy pháp ác ngày nay đã dứt, tới tột cùng đời vị lai vĩnh viễn chẳng tái phạm nữa.

5.7. Bảy là hiện tại sám: Sám hối trong đời hiện tại, sanh, lão, bệnh, tử, các thứ khổ nghiệp, phiền não nghiệp, nghiệp giở chân, hạ chân, nghiệp há miệng, động tâm, hết thảy vi tế chẳng thể tính kể nghiệp.

5.8. Tám là sát-na sám: Trong một niệm có chín mươi sát-na, một sát-na có chín trăm lần sanh diệt; cứ một lần sanh diệt là một lần sám hối.

5.9. Chín là cứu cánh sám: Trong địa vị Ðẳng Giác có một phần vô minh, hãy nên tẩy rửa rốt ráo.

5.10. Mười là pháp giới sám: Trong pháp tánh, không ta, không người, khắp vì hết thảy chúng sanh trong quá khứ, vị lai, hiện tại mà sám hối.

Nếu có thể sám hối chân thật như thế, hết thảy chướng ngại ắt bị tiêu diệt, chẳng lìa đạo tràng mà được thấy chư Phật.

6. Tịnh Nguyện môn: Tu Tịnh Ðộ phải nên phát đại nguyện.

6.1. Một là chẳng vì phước điền mà nguyện, nguyện vì che chở hết thảy chúng sanh mà sanh Tịnh Ðộ.

6.2. Hai là chẳng vì quyến thuộc mà nguyện, nguyện coi sóc hết thảy nhà Như Lai mà sanh Tịnh Ðộ.

6.3. Ba là chẳng vì bệnh khổ mà nguyện, nguyện chữa các thứ ghẻ vô minh của hết thảy chúng sanh mà sanh Tịnh Ðộ.

6.4. Bốn là chẳng vì làm Chuyển Luân Vương mà nguyện, nguyện chuyển pháp luân của các đức Như Lai, làm đại pháp vương mà sanh Tịnh Ðộ.

6.5. Năm là chẳng vì Dục Giới mà nguyện, nguyện lìa hết thảy ngũ dục vi diệu mà sanh Tịnh Ðộ.

6.6. Sáu là chẳng vì Sắc Giới mà nguyện, nguyện lìa hết thảy Thiền chấp mà sanh Tịnh Ðộ.

6.7. Bảy là chẳng vì Vô Sắc Giới mà nguyện, nguyện dứt hết thảy vi tế lưu chú, chứng thân vô lượng tướng hảo mà sanh Tịnh Ðộ.

6.8. Tám là chẳng vì Thanh Văn, Bích Chi Phật mà nguyện, nguyện dùng phước trí nhị nghiêm để lợi lạc hết thảy thế giới chúng sanh mà sanh Tịnh Ðộ.

6.9. Chín là chẳng vì một thế giới, hay ngàn thế giới mà nguyện. Nguyện chịu khổ thay cho vô ương số thế giới, cứu chúng sanh trong hết thảy thế giới mà sanh Tịnh Ðộ.

6.10. Mười là chẳng vì một cho đến ngàn A-tăng-kỳ kiếp chúng sanh mà nguyện, nguyện chịu khổ thay cho vô lượng, vô số A-tăng-kỳ kiếp hết thảy chúng sanh, cứu hết thảy chúng sanh mà sanh Tịnh Ðộ.

Nếu có thể phát đại nguyện như thế thì trong sát-na cuối cùng, quyết định sẽ đúng như trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện đã dạy, nên biết đại nguyện ấy sẽ làm minh sư dẫn về Cực Lạc.

7. Tịnh Giới môn: Hết thảy tịnh pháp đều lấy Giới làm nền tảng. Giới đứng đầu các thiện pháp, là cửa để vào cõi tịnh.

7.1. Một là xan tham giới: Thực hành hai pháp bố thí tài thí và mạng thí chẳng yêu tiếc.

7.2. Hai là hủy cấm giới: Trì trọn vẹn ngũ giới, luật nghi giới, cho đến Vô Lậu Giới.

7.3. Ba là sân khuể giới: Dùng nhẫn để điều phục tâm và thân, khẩu. Nếu gặp phải ác khẩu, dao, gậy làm hại, chỉ nên suy nghĩ pháp nghiệp nhân duyên, coi như đền trả, coi như đạo sư, tưởng như gió rét, lạnh, nóng.

7.4. Bốn là phóng dật giới: Ðường hiểm sanh tử không có chỗ để phóng dật (buông lung). Như người bưng bát dầu đầy, như đi trên dây chăng, chẳng được liếc ngoái tả hữu, cũng như nghĩ đến chuyện gì khác.

7.5. Năm là tán loạn giới: Gom giữ các căn, dứt các duyên cảnh như giữ ngọn đèn trước gió, như ngăn chim sống.

7.6. Sáu là ngu si giới: Dùng trí huệ phá các mê mờ.

7.7. Bảy là kiêu mạn giới: Chẳng nên cậy tài biện luận, ngộ giải, tranh luận rồi hợm hĩnh, kiêu căng. Hết thảy sở đắc như bụi trên đất, như chất dơ đóng trên mặt gương, chẳng thể cậy chất dơ này để coi thường chất dơ khác!

7.8. Tám là phú tàng giới: Chư Phật, Bồ Tát, thần minh ở khắp mọi nơi, chẳng thể giấu giếm được; giống như giữa ban ngày trốn bóng, giữa trận sóng tránh ướt, chẳng thể nào trốn được!

7.9. Chín là vô ích giới: Phải nên xa lìa hết thảy trò bỡn cợt, thi văn, trần duyên, chuyện giải thoát vô ích nơi cửa miệng!

7.10. Mười là bất trụ giới: Trì giới như trên chỉ là để sanh về Tịnh Ðộ, lợi lạc chúng sanh, chẳng cầu được ngợi khen và các quả nhân, thiên, Nhị Thừa.

Bồ Tát hành các tịnh giới như thế sẽ có thể nhiếp chúng sanh sanh về Tịnh Ðộ.

8- Tịnh Xứ môn: Người học đạo đã có chí xuất trần, hãy nên bỏ các chốn ác:

8.1. Một là chỗ phồn hoa huyên náo.

8.2. Hai là chốn ca lâu, tửu quán.

8.3. Ba là chỗ nóng bức, hun đốt.

8.4. Bốn là chốn bàn luận việc triều chánh.

8.5. Năm là chỗ ân ái trói buộc và chỗ thường đi chơi quen.

8.6. Sáu là thi đàn, văn xã, đua văn, kén ý.

8.7. Bảy là chỗ chê bai, chỉ trích cổ kim, sánh dài, đua ngắn.

8.8. Tám là chỗ giảng đạo học vô nghĩa.

8.9. Chín là chốn khoe khoang hiểu biết, đấu đá danh tướng, tiểu trí kiêu căng.

8.10. Mười là chỗ cuồng giải tông thừa, bàn xằng đốn ngộ, khinh thị giới luật.

[Những chỗ] nhiễu đạo như thế có khác gì ma, vì vậy, phải nên xa lìa. Nếu lìa được hết thảy các chỗ như vậy, hết thảy đạo nghiệp sẽ hoàn thành.

9. Tịnh Lữ môn: Hết thảy ngộ cơ (cơ duyên khế ngộ) nếu chẳng nhờ vào bạn bè, sẽ chẳng thể phát khởi được. Hết thảy pháp ác nếu không có bạn sẽ chẳng dứt được. Hành đạo cầu bạn thì phải phân biệt nghiêm ngặt bạn tịnh hay bạn uế. Hãy nên thân cận:

9.1. Một là bạn nhàn nhã chốn núi rừng, vì có thể dứt tâm thô tháo.

9.2. Hai là bạn nghiêm trì giới luật, vì có thể làm cho [chúng ta] lãnh đạm các dục

9.3. Ba là bạn trí huệ rộng lớn, vì có thể khiến thoát khỏi bến mê.

9.4. Bốn là bạn tổng trì văn tự, vì có thể dứt nghi nan.

9.5. Năm là bạn tịch mịch, khô khan, vì có thể tấn, thủ điềm tĩnh.

9.6. Sáu là bạn khiêm tốn, nhẫn nhục, vì có thể tiêu trừ ngã mạn.

9.7. Bảy là bạn thẳng tính nói thật, vì có thể ngăn dè các điều ác.

9.8. Tám là bạn dũng mãnh, tinh tấn, vì có thể mau đạt đạo quả.

9.9. Chín là bạn khinh tài, thích bố thí, vì có thể phá lòng keo kiệt lớn lao.

9.10. Mười là bạn nhân từ, thương yêu muôn vật, chẳng tiếc thân mạng, vì có thể dẹp tan chấp trước ta - người.

Nếu không có bè bạn thanh tịnh như vậy, hãy nên lánh người, ở một mình, tự lo đạo nghiệp, lấy tượng [Phật, Bồ Tát] làm thầy, lấy kinh làm bạn; còn những bọn cười giỡn khác, trọn chẳng giao du.

10. Bất Ðịnh Tịnh môn: Căn khí chúng sanh lợi hoặc độn chẳng đồng. Các pháp như trên thì hạng thượng căn lợi khí mới có thể làm trọn được. Ðức Như Lai có phương tiện lạ, mở ra môn cửu phẩm, phân thành ba hạng tu tập thượng, trung, hạ.

10.1. Một là hoặc hiểu Nghĩa Ðế, nhưng chưa thể hoàn toàn dẹp Hoặc chướng, hay là chẳng hiểu sâu, nhưng có thể đọc tụng các kinh.

10.2. Hai là chỉ nương theo lời nói mà tin, hoặc do người khác mà tin, hoặc lâm cảnh bần cùng, mang nhục mà tin.

10.3. Ba là quán tượng vàng, hoặc tùy ý quán một tượng.

10.4. Bốn là sáng sớm mười niệm, trăm niệm, cho đến ngàn niệm.

10.5. Năm là sám hối các tập khí thô trọng và các nghiệp bất thiện.

10.6. Sáu là vì sợ sanh tử, hoặc gặp nạn khổ, phát nguyện vãng sanh, nhưng chớ nên phát nguyện hưởng các phước đức cõi trời hoặc cõi người.

10.7. Bảy là chỉ giữ ngũ giới, bát giới, cho đến chỉ không giết, trộm, dâm, dối.

10.8. Tám là nếu chẳng thể lìa sạch hết thảy chốn ồn ào thì lúc nào cũng chỉ sanh tâm nhàm lìa.

10.9. Chín là nếu là người vướng bận các pháp thế gian, chưa thể đoạn ngay, hãy chớ nên thuận theo chúng.

10.10. Mười là chỉ có mười niệm vào lúc lâm chung.

Ðối với các pháp như trên, nếu có thể chí tâm thọ trì một pháp đều được vãng sanh, nhưng chẳng được tin ngờ lẫn lộn. Nếu có nghi thì hết thảy các hạnh đều chẳng thành tựu.

Nhận định:

Mười môn tu trì của luận này bao trọn hết thảy pháp môn Niệm Phật. Luận Bảo Vương chép: “Niệm danh hiệu Phật ắt thành tam-muội”, chẳng cần phải cầu khai ngộ hoặc quán tưởng, tham cứu, cũng chẳng chẳng cần phải miễn cưỡng tìm tòi tịnh xứ, tịnh lữ, chỉ cần dứt những tâm như tâm danh lợi v.v… Ðối với hết thảy chỗ huyên náo, tâm sanh chán lìa, đừng tùy thuận người còn vướng víu trong pháp thế gian, hãy nên sanh lòng tin, phát nguyện, nghiêm trì tịnh giới, nhiếp tâm niệm Phật, nguyện dốc lòng nhẫn nại, hòng đốn siêu ba A-tăng-kỳ.
 
Trích từ: Niệm Phật Pháp Yếu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về

Vì Sao Cần Phải Niệm Phật...?
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa

Công Phu Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhớ Phật Niệm Phật
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam

Phương Pháp Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm